Tinh hoàn ẩn: Nguyên nhân, triệu chứng và 3 cách điều trị hiệu quả
Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không thể di chuyển hoặc di chuyển chậm xuống đúng vị trí của chúng ở bìu. Đây là hiện tượng không bình thường đối với bé trai, đặc biệt là những em bé vừa chào đời, tinh hoàn ở một hoặc hai bên đã không nằm trong bìu. Do đó, điều trị tinh hoàn ẩn sớm và kịp thời là cách tốt nhất để bảo toàn chức năng sinh lý của nam giới sau này.
1. Tinh hoàn ẩn là bệnh gì
Tinh hoàn ẩn là tình trạng trẻ sinh ra có một hoặc cả hai bên tinh hoàn không thể di chuyển xuống bìu hoặc nằm ở vị trí khác ngoài bìu. Trong thời kỳ bào thai, hai tinh hoàn của thai nhi nằm ở vị trí sát phía sau hai thận. Khi thai nhi được khoảng 8 tuần tuổi, hai tinh hoàn đã di chuyển từ bụng qua bẹn, xuống bìu trước khi trẻ sinh ra. Thống kê cho thấy có khoảng 10% bé trai xuất hiện tình trạng tinh hoàn ẩn ở cả hai bên.
1.1 Tinh hoàn ẩn ở trẻ nhỏ
Ở bé trai mới sinh, tỷ lệ mắc bệnh là khoảng 3 – 4%. Tỷ lệ đó tăng cao khi trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non, sinh đôi. Nhiều trường hợp sau khi sinh tinh hoàn ẩn sẽ tiếp tục tự di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được 3 tháng tuổi. Tuy nhiên khi trẻ 6 tháng tuổi, nếu tinh hoàn vẫn không về đúng vị trí ở bìu, khi đó sẽ rất khó để tinh hoàn có thể di chuyển xuống và cần có phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh thường được phát hiện ở những trẻ bị rối loạn nội tiết tố, dị tật bẩm sinh hay có sự bất thường về di truyền. Một số trường hợp trẻ sinh ra bị ẩn tinh hoàn nhưng lại không xác định được nguyên nhân.
Theo nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ của Anne Suskind và cộng sự, những bé trai mắc chứng tinh hoàn ẩn thường có đường kính của ống sinh tinh nhỏ hơn, mức độ xơ hóa tinh hoàn cao hơn. Sự thay đổi về mô học đấy có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và gây vô sinh cho nam giới.
1.2 Tinh hoàn ẩn đối với người trưởng thành
Ở những nam giới trưởng thành nếu bị ẩn tinh hoàn ở một bên thì vẫn có khả năng sinh con. Tuy nhiên, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe như ung thư tinh hoàn và một số nguy cơ khác.
Nếu nam giới bị ẩn tinh hoàn ở cả hai bên, nguy cơ vô sinh là rất cao. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của họ thường không có tinh trùng. Một số người bệnh còn không thể quan hệ tình dục được do thiếu hụt trầm trọng nội tiết tố. Nam giới bị tinh hoàn ẩn thường đi kèm với những dị tật bẩm sinh khác.
2. Phân biệt giữa tinh hoàn ẩn và tinh hoàn lạc chỗ
Tinh hoàn lạc chỗ ngoài bìu có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào như ở mu, cung đùi, nếp bẹn, tầng sinh môn do trong khi di chuyển đã bị kéo lệch ra khỏi đường đi bình thường.
Tinh hoàn ẩn được xác định nằm trên đường di chuyển như trong thời kỳ phôi thai, tinh hoàn có thể ở trong ống bẹn, lỗ bẹn, ổ bụng, trên bìu…
Người bị tinh hoàn ẩn cần lưu ý là có thể mắc các dị dạng khác nhất là đối với những trường hợp ẩn cả 2 bên có nguy cơ bị rối loạn bệnh lý nhiễm sắc thể giới tính, tật ái nam ái nữ hoặc kèm theo dị dạng ở đường tiết niệu như lỗ tiểu thấp, suy tuyến sinh dục…
3. Nguyên nhân nào gây nên tình trạng tinh hoàn ẩn
Những nguyên nhân gây ra tình trạng tinh hoàn ẩn thường gặp là:
– Rối loạn trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục: Đây là tình trạng suy yếu tuyến yên làm thiếu gonadotropin dẫn đến tình trạng tinh hoàn ẩn và chứng dương vật nhỏ.
– Sự sai lệch tổng hợp testosterone do thiếu 5α-reductase, men 17α-hydroxylase,… Điều đó khiến cho tinh hoàn không thể phát triển bình thường.
– Hội chứng giảm khả năng cảm nhận của những thụ thể androgen: Vì những thụ thể androgen bị giảm khả năng cảm nhận nên dù là bé trai nhưng sự phát triển của chức năng sinh dục nam cũng sẽ bị ảnh hưởng trong đó bao gồm cả sự di chuyển của tinh hoàn.
– Estrogen ảnh hưởng đến sự di chuyển của tinh hoàn xuống bìu: Mẹ bầu mang thai nhi nam nếu sử dụng thuốc kháng androgen hoặc diethylstilbestrol nhiều thai nhi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
– Sự bất thường trong quá trình phát triển của dây chằng tinh hoàn và bìu: Tình trạng này khiến cho tinh hoàn nằm lơ lửng trên đường di chuyển và không thể xuống đến bìu.
– Một số yếu tố cơ học gây cản trở quá trình di chuyển của tinh hoàn như xơ hóa vùng ống bẹn, cuống mạch tinh hoàn ngắn…
4. Các biến chứng nguy hiểm tinh hoàn ẩn
Bình thường nhiệt độ ở bìu là thấp hơn so với cơ thể. Khi tinh hoàn bị ẩn nằm ở vùng bụng, tinh hoàn chịu nhiệt độ cao sẽ rất khó phát triển và giảm số lượng tế bào mầm trong tinh trùng.
Nếu bé trai bị tinh hoàn ẩn một bên, vị trí ở ống bẹn, số lượng tinh trùng của trẻ vẫn có thể đạt bình thường. Trong khi, bé trai bị tinh hoàn ẩn ở cả 2 bên ống bẹn, có khả năng vô sinh cao. Người bệnh sau 5 tuổi nếu không được phẫu thuật, tỷ lệ vô sinh có thể lên đến 75%. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
– Xoắn tinh hoàn: Vì tinh hoàn không được cố định tại bìu nên có thể bị xoắn. Đây là trường hợp thường gặp. Người bệnh có triệu chứng sưng đau đột ngột vùng bẹn tại bên tinh hoàn ẩn. Da ở bìu sẫm đỏ hay nhạt, mất nếp nhăn. Khi không được thăm khám và phẫu thuật cấp cứu trong 3 giờ, tinh hoàn có nguy cơ cao bị hoại tử.
– U ác tính: Khi phát hiện tinh hoàn ẩn nằm trong ổ bụng có thể phát triển thành u ác tính.
– Chấn thương tinh hoàn: Tinh hoàn không nằm trong da bìu, tinh hoàn có khả năng bị tổn thương do áp lực từ xương mu.
– Thoát vị bẹn: Khi tinh hoàn nằm ở bẹn có thể tạo ra khe hở giữa vùng bụng và ống bẹn. Khe hở ngày càng lớn có thể đẩy một phần ruột vào háng.
5. Các phương pháp điều trị tinh hoàn ẩn hiệu quả
Hiện nay có một số phương pháp điều trị chứng tinh hoàn ẩn như sau:
5.1 Điều trị bằng thuốc nội tiết
Nhiều bé trai mới sinh, tinh hoàn vẫn chưa hạ xuống hoàn toàn. Trong trường hợp có thể sờ thấy tinh hoàn ở ống bẹn, tinh hoàn tự hạ xuống mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu tới lúc trẻ 6 tháng tuổi mà tinh hoàn vẫn không thể tự di chuyển xuống, cần áp dụng biện pháp can thiệp.
Ở trẻ dưới 1 tuổi có thể dùng phương pháp nội khoa, tức là điều trị bằng thuốc nội tiết. Bác sĩ sẽ tiêm nội tiết HCG để kích thích tinh hoàn di chuyển xuống đúng vị trí. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp đấy chỉ đạt 20% và có một số chống chỉ định. Do vậy hiện nay đa phần trường hợp tinh hoàn ẩn đều được giải quyết bằng phương pháp ngoại khoa.
5.2 Điều trị tinh hoàn ẩn bằng mổ mở
Phương pháp mổ mở được chỉ định trong trường hợp thăm khám sờ thấy tinh hoàn ở bẹn. Thời điểm tốt nhất để phẫu thuật là khi trẻ được 6 – 12 tháng tuổi, vì sau 1 tuổi sẽ xuất hiện tế bào Leydig bất thường trong tinh hoàn ẩn, làm giảm số lượng tế bào mầm và xuất hiện xơ hóa quanh các ống sinh tinh. Phương pháp mổ mở được đánh giá tương đối hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên so với mổ nội soi, bệnh nhân mổ mở thường bị đau hơn và thời gian hồi phục lâu hơn.
5.3 Mổ nội soi điều trị tinh hoàn ẩn
Mổ nội soi tinh hoàn được áp dụng trong trường hợp tinh hoàn còn nằm trong ổ bụng. Tương tự như mổ mở, mổ nội soi nên thực hiện càng sớm càng tốt. Thời điểm tốt nhất để mổ là khi trẻ được 6 – 12 tháng tuổi để hạn chế tối đa các tổn thương tinh hoàn và bảo toàn chức năng sinh sản sau này.
Ưu điểm của phương pháp mổ nội soi tinh hoàn ẩn là:
– Tỷ lệ hạ tinh hoàn thành công cao hơn mổ mở do di động được tối đa các bó mạch tinh hoàn và ống dẫn tinh.
– Đảm bảo tính thẩm mỹ và ít đau hơn so với mổ mở.
– Thời gian hồi phục nhanh, bệnh nhân có thể mau chóng xuất viện trở về và sinh hoạt bình thường.
Đối với nam giới trưởng thành cần phải phẫu thuật ngay. Nếu tinh hoàn chưa bị ung thư hóa thì cần tiến hành phẫu thuật hạ tinh hoàn, kết hợp sử dụng hormone để cân bằng nội tiết. Thế nhưng nếu tinh hoàn đã bị ung thư hóa thì cần cắt bỏ, nạo vét hạch kết hợp với các biện pháp điều trị ung thư hỗ trợ.
6. Phẫu thuật tinh hoàn ẩn nguy hiểm không
Điều trị chứng tinh hoàn ẩn bằng phương pháp phẫu thuật không gây nguy hiểm cho người bệnh. Đây là thủ thuật đơn giản, được thực hiện bằng kỹ thuật hiện đại và chủ yếu là môt nội soi với độ chính xác cao, hiệu quả lớn. Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh được bác sĩ gây tê, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phẫu thuật cũng như rút ngắn thời gian hồi phục.
Khi bị tinh hoàn ẩn thể trạng của nam giới thường yếu hơn bình thường, dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Vì thế, việc phẫu thuật tinh hoàn ẩn nên được tiến hành sớm nhất có thể để bảo toàn thiên chức làm cha của nam giới.
7. Chăm sóc đúng cách sau khi mổ tinh hoàn ẩn nhanh lành
– Sau phẫu thuật tinh hoàn ẩn cần theo dõi kích thước tinh hoàn bên mổ đem xuống bìu teo nhỏ hay to dần lên.
– Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện tái khám định kỳ để bác sĩ đánh giá lại, theo dõi và chẩn đoán điều trị phù hợp.
Tinh hoàn ẩn là bệnh lý tương đối nguy hiểm ở nam giới, nếu không được phát hiện và điều trị sớm bệnh dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì thế, khi nhận thấy bất kỳ sự bất thường nào về tinh hoàn bệnh nhân nên thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa càng sớm, càng tốt để có phương pháp điều trị đúng cách, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.