3 bước cơ bản có trong quá trình thụ tinh nhân tạo
Quá trình thụ tinh nhân tạo được hoàn thiện đã giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn được thỏa lòng mơ ước có con. Hiện nay, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đang được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam với những tiến bộ trong kỹ thuật lọc rửa tinh trùng và dự đoán được thời gian rụng trứng.
1. Những ai có thể làm thụ tinh nhân tạo?
Hiếm muộn con cái gây nên nhiều nỗi muộn phiền cho các cặp vợ chồng. Với sự tiến bộ của y khoa hiện nay, phương pháp thụ tinh nhân tạo đang mang tới niềm vui cho rất nhiều gia đình. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng hiếm muộn nào cũng có thể áp dụng phương pháp này. Những trường hợp sau đây mới được bác sĩ chỉ định thực hiện thủ thuật:
– Cổ tử cung bất thường: Theo thống kê, cứ 18 người phụ nữ thì có 1 người bị tử cung bất thường. Tình trạng tử cung bất thường sẽ cản trở rất lớn đến quá trình trứng làm tổ và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.
– Rối loạn phóng noãn: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nữ giới. Rối loạn phóng noãn khiến noãn không được phóng ra theo chu kỳ nhất định, dẫn đến trứng rụng không đều và khó thụ thai.
– Phụ nữ lạc nội mạc tử cung: Đây là tình trạng xảy ra ở người phụ nữ khi các tế bào nội mạc tử cung được tìm thấy bên ngoài tử cung.
– Vùng chậu bị dính: Bệnh lý này khá phổ biến ở nữ giới, khiến chảy máu kinh nguyệt, thậm chí là vô sinh.
– Kháng thể kháng tinh trùng nhẹ: Kháng thể này sẽ ngăn chặn tinh trùng kết hợp với trứng, làm cho quá trình thụ tinh trở nên khó khăn hơn, hoặc làm các tinh trùng dính lại với nhau, khiến chúng không thể di chuyển đến với trứng.
– Vô sinh không rõ nguyên nhân: Cả nam giới và nữ giới đều có thể gặp tình trạng này. Bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm lâm sàng để xác định có thể tiến hành thủ thuật thụ tinh nhân tạo hay không?
– Phụ nữ đơn thân, không lập gia đình và mong muốn có con: Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp hiện thực hóa ước mong của người phụ nữ bằng cách sử dụng tinh trùng hiến tặng từ người khác.
2. Điều kiện cần đảm bảo để tiến hành thụ tinh nhân tạo
Để có thể tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo thì phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
2.1 Phụ nữ phải có ít nhất 1 trong 2 ống dẫn trứng thông hoàn toàn
Riêng đối với những người phụ nữ đã thực hiện thắt ống dẫn trứng thì không thể thực hiện được phương pháp này, các bác sĩ sẽ chỉ định chuyển sang dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
2.2 Buồng trứng còn hoạt động
Đối với những trường hợp này thì khả năng thụ thai vẫn rất cao và có đủ điều kiện để tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo.
2.3 Người chồng phải có tinh trùng nằm trong giới hạn cho phép
+ Dựa vào kết quả tinh dịch đồ thấy được những bất thường mức độ nhẹ hoặc vừa
+ Sau lọc rửa mẫu tinh trùng phải đạt tối thiểu 1 triệu tinh trùng di động/1 ml.
3. Thời gian tiến hành thụ tinh nhân tạo
Quá trình thụ tinh nhân tạo được tiến hành trong thời gian từ 10- 14 ngày, tính từ lúc bơm tinh trùng; từ 25- 30 ngày tính đến lúc biết kết quả mang thai. Trong đó, thời gian thực hiện thủ thuật bơm tinh trùng đã lọc rửa vào trong trứng chỉ mất có vài phút.
4. Quy trình thụ tinh nhân tạo
Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo sẽ được tiến hành theo những bước sau đây:
– Bước 1: Kích thích buồng trứng và sự rụng trứng
Vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 trong vòng kinh của người vợ, bệnh nhân được dùng thuốc kích thích buồng trứng.
Ngày thứ 6 – 7 vòng kinh, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định tới siêu âm để đánh giá tình trạng đáp ứng của buồng trứng. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc và hẹn ngày siêu âm tiếp theo.
Khoảng ngày 9 – 10, nếu có nang noãn đã “chín”, người vợ được tiêm thuốc rụng trứng
Bước 2: Chuẩn bị tinh trùng
+ Sau 36-40h tiêm rụng trứng, việc bơm tinh trùng được tiến hành
+ Khoảng 2h trước khi thực hiện bơm tinh trùng thì tinh dịch phải được lấy. Tinh dịch phải được lấy tại bệnh viện và bằng tay (thủ dâm) vào trong lọ sạch, tiệt trùng. Đồng thời, cần phải kiêng xuất tinh từ 2-5 ngày trước khi lấy tinh dịch.
+ Xử lý và lọc rửa tinh trùng: Nhằm chọn được các tinh trùng bình thường, đảm bảo mức độ di động tốt cho thụ tinh; loại được các tế bào chết và các chất độc có hại với tinh trùng; tránh co thắt tử cung, tránh nguy cơ sốc phản vệ; kích thích sự hoạt hóa của đầu tinh trùng, tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng thụ tinh với trứng; tránh các nguy cơ nhiễm khuẩn từ tinh dịch; giảm nguy cơ tạo kháng thể kháng tinh trùng ở người vợ khi cho quá nhiều tinh trùng chết vào buồng tử cung.
Bước 3: Bơm tinh trùng
+ Sau khi lọc rửa, tinh trùng sẽ được giữ ấm và bơm vào buồng tử cung của người vợ trong thời gian sớm nhất. trình thực hiện đảm bảo vô khuẩn để tránh nhiễm khuẩn đường sinh dục nữ.
+ Sau khi bơm, người vợ sẽ nằm lại BV để theo dõi từ 2 – 4h và có thể về nhà luôn trong ngày.
5. Chi phí thụ tinh nhân tạo
Thụ tinh nhân tạo không thể áp dụng cho mọi cặp vợ chồng và tỉ lệ thành công chỉ dao động từ 50- 80%. Chính vì thế, cặp vợ chồng cần khám sàng lọc tại bệnh viện, dựa vào kết quả bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện hay không thực hiện thủ thuật này.
Theo đó, chi phí để thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo sẽ được tính toán trên căn cứ các xét nghiệm thực hiện ở cả vợ và chồng, tổng thời gian thực hiện, từng trường hợp bệnh gặp phải… Hãy đến trực tiếp hệ thống Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà hoặc liên hệ qua tổng đài của chúng tôi để được tư vấn và đặt lịch khám cụ thể.
6. Chăm sóc sau quá trình thụ tinh nhân tạo
Sau quá trình thụ tinh nhân tạo, việc chăm sóc bà bầu cần hết sức cẩn thận để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh và bình thường như bao đứa trẻ mang thai tự nhiên khác.
6.1 Những điều cần tránh
– Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cafe
– Tuyệt đối tránh xa khói thuốc lá độc hại
– Không sử dụng các loại dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm chứa các loại hóa chất độc hại. Chọn lựa kỹ càng, ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.
– Rửa tay sạch sẽ để sát khuẩn trước khi ăn, sau đi vệ sinh, đeo khẩu trang để tránh xa nguồn bệnh.
– Trong 3 tháng đầu cần kiêng quan hệ tình dục
– Tránh đi nhanh, không bưng bê các đồ vật nặng
– Tránh xa các loại giày, dép cao gót, đi dép thấp, giày búp bê có khả năng bám chắc với các bề mặt tiếp xúc, để tránh trơn trượt.
6.2 Chú ý đến chế độ làm việc và sinh hoạt của mẹ bầu
Mọi hoạt động của các mẹ bầu sau thụ tinh nhân tạo thành công đều có thể được diễn ra bình thường nếu sức khỏe của mẹ đảm bảo và bác sĩ không có chỉ định riêng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên làm việc ở cường độ nhẹ, tránh làm việc quá sức.
Với những công việc đòi hỏi thời gian ngồi hoặc đứng quá lâu, bạn nên hạn chế hoặc có thể nghỉ ngơi 1 thời gian để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Ngoài ra, bạn cần phải nghỉ ngơi đầy đủ, không được thức quá khuya. Bạn cũng có thể giải trí bằng cách nghe nhạc hoặc xem phim hài ngắn để cho bé khỏe, mẹ vui.
6.3 Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý
Bên cạnh những lưu ý khi chăm sóc sau khi thụ tinh nhân tạo trên thì cũng cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mẹ bầu. Cụ thể, các chất dinh dưỡng mà mẹ nên bổ sung đó là:
– Chất đạm: Các thực phẩm như thịt, trứng, các loại đậu rất giàu đạm, cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
– Chất sắt: Thực phẩm giàu sắt là thịt bò, hải sản, trứng gà, nho… giúp hạn chế tối đa tình trạng thiếu máu ở mẹ bầu.
– Canxi: Các loại viên uống bổ sung canxi, thực phẩm từ sữa giúp xương chắc khỏe.
– Axit folic: Sau quá trình thụ tinh nhân tạo, mẹ cũng đừng quên bổ sung các loại rau xanh, trái cây, đậu để cung cấp axit folic đảm bảo cho sự phân chia tế bào.
– Vitamin và khoáng chất: Các loại rau xanh như súp lơ, cải ngọt, ớt chuông, kiwi… rất giàu các vitamin và khoáng chất, tốt cho phụ nữ mang thai.
6.4 Xây dựng chế độ vận động phù hợp
Mẹ có thể vận động nhẹ nhàng với những bài tập theo khuyến cáo của các bác sĩ giúp tâm trạng thoải mái, tinh thần hưng phấn, giảm cảm giác nghén. Theo đó, có một số môn thể thao phù hợp với mẹ bầu như yoga, đi bộ, bơi lội… Ngoài ra, mẹ cũng cần hạn chế vận động mạnh, tránh leo cầu thang để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Như vậy, bạn đã hiểu về quá trình thụ tinh nhân tạo rồi chứ? Vậy thì bạn hãy chuẩn bị thật tốt các điều kiện cần thiết để việc thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt được kết quả cao nhất nhé.