Hỏi đáp: Khi nào nên làm thụ tinh ống nghiệm?
Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là kỹ thuật sinh sản hiện đại với tỷ lệ thành công đạt từ 45 – 50%, giúp cho hàng triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có được hạnh phúc trọn vẹn. Vậy, khi nào nên làm thụ tinh ống nghiệm, để đạt được hiệu quả thành công cao nhất?
1. Khi nào nên làm thụ tinh ống nghiệm?
Sau ít nhất một năm chung sống, hai vợ chồng vẫn chưa có thai thì nên đi khám hiếm muộn để tìm ra nguyên nhân. Các bác sĩ sản khoa chỉ ra rằng, những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không rõ nguyên nhân, nên bắt đầu làm thụ tinh trong ống nghiệm sau 3 năm. Thời gian hiếm muộn càng kéo dài thì hiệu quả chữa trị càng thấp.
Đối với những trường hợp khác nếu sau 5 năm chạy chữa, đã thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác trước đó nhưng không hiệu quả thì cũng nên lựa chọn IVF để sớm thực hiện được ước mơ có con của mình.
Ở nước ta, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng hiện nay là 7,7%. Các cặp vợ chồng được chẩn đoán là vô sinh khi quan hệ tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không có thai tự nhiên trong thời gian một năm. Đối với người phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian là 6 tháng.
2. Thụ tinh ống nghiệm được chỉ định với những ai?
Thụ tinh trong ống nghiệm được là kỹ thuật kết hợp tinh trùng và trứng trong phòng thí nghiệm. Sau khi lọc rửa, tinh trùng sẽ được cấy chung với trứng trong đĩa môi trường và để ủ trong tủ. Chỉ sau vài giờ tinh trùng có thể đi xuyên vào trứng, xảy ra quá trình thụ tinh. Kỹ thuật này được áp dụng cho những trường hợp sau:
– Phụ nữ bị tắc hai vòi trứng.
– Lạc nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung không nằm đúng vị trí mà bị lạc chỗ trong tiểu khung bên ngoài buồng tử cung)
– Phụ nữ không thể sản xuất ra trứng hoặc không thể rụng trứng muốn sinh con phải xin trứng.
– Hiếm muộn không xác định được nguyên nhân, thất bại nhiều lần khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
– Tinh trùng yếu, sản xuất không đảm bảo số lượng, xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh.
– Không có tinh trùng trong mẫu tinh dịch (lấy tinh trùng bằng phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn).
3. Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm thực hiện ra sao
Sau khi đã xác định được khi nào nên làm thụ tinh ống nghiệm, người bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt để không bỏ lỡ cơ hội có con của mình. Theo đó, quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm diễn ra theo các bước sau:
Bước 1: Khám và đánh giá sức khỏe sinh sản của cả hai vợ chồng
Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây đến từ phía người vợ hay người chồng.
– Một số xét nghiệm người vợ cần làm:
+ Xét nghiệm nội tiết tố: Định lượng nồng độ hormone sinh dục (progesterone, estrogen,…) và nồng độ hormone hướng sinh dục (FSH, LH).
+ Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Xét nghiệm máu để kiểm tra các bệnh lây qua đường tinh dục như: Viêm gan B, HIV, giang mai. Đồng thời lấy dịch âm đạo để xét nghiệm Chlamydia,…
+ Siêu âm phụ khoa: Phát hiện các vấn đề phụ khoa như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, những bất thường bẩm sinh của đường tình dục nữ… Tiến hành đếm nang noãn ở hai buồng trứng vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt.
– Một số xét nghiệm đối với người chồng:
+ Xét nghiệm tinh dịch đồ: Kiểm tra và đánh giá chất lượng và số lượng tinh dịch của người chồng.
+ Với những người chồng không có tinh trùng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác nhau xét nghiệm hormone sinh dục, siêu âm tinh hoàn… Ngoài ram người chồng cũng được lấy máu, làm các xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục ở nam giới như HIV, giang mai, viêm gan B…
Bước 2: Kích thích buồng trứng
Người vợ được bác sĩ tiêm thuốc kích thích buồng trừng trong thời gian liên tục 9-11 ngày. Trong quá trình tiêm thuốc, người vợ cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu, siêu âm theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sự phát triển của nang noãn và điều chỉnh thuốc dựa trên sự đáp ứng của cơ thể với thuốc.
Mũi tiêm cuối cùng được bác sĩ thực hiện vào đúng thời gian đã định, khi nang noãn phát triển đạt đến kích thước tiêu chuẩn, được gọi là mũi kích rụng trứng, nhằm kích thích trứng trưởng thành.
Bước 3: Chọc hút trứng và lấy tinh trùng để chuẩn bị thụ tinh
Sau 36 – 40 giờ tiêm mũi thuốc kích thích rụng trứng cuối cùng, người vợ sẽ được gây mê và tiến hành chọc hút trứng, quá trình thực hiện không cảm thấy đau đớn. Sau khi hoàn tất chọc hút trứng, người vợ cần ở lại bệnh viện theo dõi sức khỏe trong 2 – 3 giờ sau đó.
Các bác sĩ tiến hành kiểm tra, tách dịch nang và trứng dưới kính hiển vi.
Cũng trong thời điểm này, người chồng được thực hiện lấy tinh trùng để chuẩn bị thụ tinh.
Bước 4: Thực hiện thụ tinh kết hợp trứng và tinh trùng trong ống nghiệm
Sau khi lấy trứng và tinh trùng sẽ được chuyển đến phòng Labo để kết hợp với nhau trong ống nghiệm và tạo thành phôi. Thông thường, thời gian nuôi cấy phôi sẽ diễn ra từ 2 – 5 ngày trước khi tiến hành chuyển lại vào trong tử cung của người vợ.
Trong quá trình thụ tinh ống nghiệm, số phôi thu được có thể nhiều hơn số phôi cần để thực hiện việc thụ thai. Do đó, sau khi trao đổi, thống nhất với cặp vợ chồng, bác sĩ sẽ chuyển số lượng phôi nhất định vào tử cung của người vợ (chuyển phôi tươi). Số còn lại sẽ được trữ lạnh, sử dụng cho những lần sau nếu lần chuyển phôi trước đó thất bại.
Bước 5: Chuyển phôi tươi hoặc đông lạnh vào tử cung của người vợ
Sau khi chọc hút trứng từ 2-5 ngày, phôi sẽ được chuyển vào tử cung của người vợ. Lúc này, niêm mạc tử cung phải đảm bảo đủ độ dài, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phôi thai.
Nếu chuyển phôi trữ đông, trong 14- 18 ngày bắt đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh tiếp theo người vợ sẽ được sử dụng thuốc và siêu âm để theo dõi niêm mạc tử cung. Sau đó, bác sĩ sẽ chọn ngày thích hợp rồi mới tiến hành chuyển phôi trữ đông vào tử cung của người vợ.
Bước 6: Thử thai để biết kết quả thụ thai
14 ngày sau khi chuyển phôi, người vợ cần quay lại bệnh viện để làm xét nghiệm máu, kiểm tra nồng độ Beta HCG. 2 ngày sau đó, cần thực hiện lại xét nghiệm này một lần nữa.
+ Nếu nồng độ HCG tăng từ 1,5 lần trở lên: thai đang phát triển. Người vợ cần tiếp tục dưỡng thai, siêu âm theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để xác định túi thai và tim thai.
+ Nếu nồng độ Beta HCG không tăng hoặc không giảm: Tiếp tục theo dõi. Trường hợp, nồng độ Beta HCG nhỏ hơn 5 UI/l, bà bầu đã bị sảy thai.
Trong trường hợp này, nếu còn phôi đông lạnh, bác sĩ sẽ chuyển vào tử cung của người vợ ở các chu kỳ tiếp theo mà không cần tiến hành lại các bước trước nữa.
Bước 7: Khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi
Mẹ bầu cần tiếp tục theo dõi sự phát triển của thai nhi, siêu âm và khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ cho tới ngày sinh nở.
Như vậy, khi nào nên làm thụ tinh ống nghiệm thì chắc các cặp vợ chồng đã nắm rõ. Đừng để việc chần chừ của mình đánh mất đi cơ hội có con. Hãy khám và điều trị vô sinh hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm càng sớm để đạt tỷ lệ thụ thai càng cao.