Uống nhân trần gây vô sinh không? Những tác hại khi uống nhân trần sai cách
Uống nhân trần thay nước lọc, giải khát là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, việc lạm dụng nhân trần sẽ gây ra nhiều tác hại cho cơ thể, đặc biệt có ý kiến cho rằng uống nhân trần gây vô sinh. Để kiểm chứng thông tin này, bạn đọc hãy theo dõi bài viết sau đây nhé.
1. Uống nhân trần gây vô sinh, đúng hay không đúng?
Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định uống nhân trần gây vô sinh. Tuy nhiên, việc lạm dụng đồ uống này thường xuyên, đặc biệt là khi kết hợp nhân trần với cam thảo có thể gây mất cân bằng sức khỏe và rối loạn sinh dục.
Cam thảo có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải, khi hai loại thảo dược này sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ gây hại bởi tương tác giữa các thành phần cấu tạo chúng.
Điều nguy hại nữa, không phải ai cũng có thể sử dụng nhân trần, nhất là nhân trần với cam thảo. Những người huyết áp không ổn định, tăng huyết áp… tuyệt đối tránh xa loại thảo mộc này nếu không muốn bệnh trầm trọng thêm. Bởi cam thảo giữ nước sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn, tăng huyết áp và tạo ra áp lực lớn cho tim.
Theo khuyến cáo bởi các chuyên gia y tế, dùng nhân trần cùng cam thảo sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn như làm giảm nội tiết tố sinh dục ở nam giới, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ dẫn đến rối loạn sinh dục, làm giảm sức khỏe giới tính của phái nam.
2. Những tác hại khi uống nhân trần
Nhiều người cho rằng, uống nước nhân trần rất tốt cho việc giải nhiệt, làm mát gan nên trong những ngày hè nắng nóng, họ thường xuyên sử dụng loại nước này giải khát thay nước lọc. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, uống quá nhiều nhân trần và không sử dụng đúng cách sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
2.1 Gây cảm giác chán ăn
Mặc dù ý kiến uống nhân trần gây vô sinh không xác thực nhưng uống nhân trần gây cảm giác chán ăn là có thật. Nguyên nhân là do nhân trần có tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột, đồng thời gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa. Uống quá nhiều nhân trần trong thời gian dài sẽ khiến bạn bị trướng bụng, đầy hơi, từ đó dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn…
Ngoài ra, nhân trần có tính lợi tiểu, uống nhân trần hằng ngày nhất là vào mùa nóng khiến thận cần phải làm việc liên tục để đào thải nước ra ngoài. Thường xuyên đào thải nước và các chất dinh dưỡng cũng dễ dẫn tới tình trạng mất nước khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung.
2.2 Thai nhi suy dinh dưỡng, chết lưu, thai phụ mất sữa
Riêng với phụ nữ đang mang thai, nếu không gặp các bệnh lý về gan thì không nên sử dụng nước nhân trần. Bởi uống nhiều dễ làm xuất tiết các tuyến sữa trong cơ thể, khiến thai phụ bị mất sữa hoàn toàn hoặc có nhưng sẽ rất ít.
Không những thế, mẹ bầu uống nhân trần, cơ thể sẽ liên tục đào thải nước thường xuyên. Khi đó, chất dinh dưỡng cũng sẽ theo nước ra ngoài, không đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu cần thiết để nuôi thai, dẫn đến thai nhi suy dinh dưỡng, nghiêm trọng hơn là tình trạng thai chết lưu.
2.3 Tăng huyết áp
Như đã đề cập đến ở phần trên, nhân trần khi pha chung với cam thảo sẽ tiềm ẩn nguy cơ tăng huyết áp. Nhân trần vốn có tình hàn, vị cay đắng còn cam thảo bổ khí, giải độc, chủ trì các chứng tỳ vị hư nhược. Mặc dù cả hai thứ đều có công dụng tốt nhưng nếu phối hợp lại với nhau thì thành không tốt với người có tiền sử tăng huyết áp.
3. Hướng dẫn uống nhân trần đúng cách
Làm thế nào để phát huy được công dụng của nhân trần đối với sức khỏe, hạn chế các tác hại không mong muốn? Sau đây là hướng dẫn uống nhân trần đúng cách, bạn nên tham khảo.
3.1 Không dùng cho người già và trẻ nhỏ
Các chuyên gia Đông y khuyến cáo, người già và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không nên uống nhân trần mặc dù chúng có tính mát, giải nhiệt cao. Lý do vì chức năng tiêu hóa của 2 đối tượng này không ổn định, khả năng hấp thụ kém hơn nên uống nhân trần không tốt. Nhẹ có thể dẫn tới tình trạng chán ăn, rối loạn tiêu hóa gây chướng bụng, tiêu chảy, nặng hơn có thể gây bệnh về đường ruột, mất nước dẫn tới hôn mê.
3.2 Không kết hợp nhân trần với cam thảo
Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để đảm bảo cho sức khỏe không nên phối hợp nhân trần với cam thảo và không sử dụng thường xuyên thay nước lọc. Khi sử dụng kết hợp nhân trần với bất kỳ vị thuốc nào khác cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Đặc biệt, tuyệt đối không làm theo mẹo dân gian chưa được kiểm chứng.
3.3 Không dùng hằng ngày thay nước lọc
Không sử dụng nhân trần quá 1 lít/ngày và không dùng thay thế nước lọc, tránh những tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe. Đảm bảo uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày bằng nhiều cách bổ sung khác nhau, cho các cơ quan thực hiện chức năng theo quy định hoạt động tốt nhất.
3.4 Kiểm tra nhân trần trước khi mua
Trên thị trường hiện nay, nhân trần được bán chủ yếu là loại đã được phơi khô. Đây là loại rất dễ bị ẩm mốc nên chủ kinh doanh thường dùng thuốc chống ẩm để bảo quản. Thậm chí, vì mục đích lợi nhuận nhiều người còn dùng thuốc diệt cỏ để phun vào cây tươi khiến cây nhanh khô héo, dễ dàng chặt ra đem bán, điều này vô cùng nguy hiểm. Vì thế, khi mua nên kiểm tra thật kỹ xem nhân trần có mốc không nhé.
3.5 Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu sử dụng nhân trần chữa bệnh gan, mật
Sử dụng nhân trần chữa bệnh gan, mật… cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về phương pháp sử dụng, liều lượng… Theo nguyên tắc điều trị, khi mật gặp các vấn đề (tắc mật, viêm mật) không thể tiết ra mật thì mới cần lợi mật. Tương tự như vậy, khi gan gặp vấn đề mới cần nhuận gan… Nếu không gặp bệnh lý nào nhưng vẫn sử dụng nhân trần hàng ngày nghĩa là bạn đang bắt gan, mật không có nhu cầu nhưng vẫn phải tiết, dẫn tới dễ tổn thương, sinh bệnh.
Uống nhân trần gây vô sinh không có cơ sở khoa học khẳng định. Tuy nhiên, uống nhân trần không đúng cách lại là nguyên nhân dẫn tới các vấn đề về sinh sản, cản trở quá trình mang thai và sinh con. Vì thế, nếu thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định hoặc ngay cả người bình thường cũng nên tham khảo tư vấn chuyên môn từ bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra nhé!