Menu
Từ T2 - CN Mở cửa từ 7h - 18h
call
Tư vấn miễn phí 1900633988
logo

Tất tần tật thông tin về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản được thực hiện ngoài cơ thể. Đây là kỹ thuật y khoa phức tạp cho tỷ lệ thành công cao tuy nhiên cần phải được thực hiện tại các Bệnh viện chuyên khoa với quy trình chuẩn.

1. Khái niệm thụ tinh ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization – IVF) được chỉ định cho những trường hợp vô sinh hiếm muộn hoặc có vấn đề di truyền liên quan đến giới tính khi tất cả những phương pháp hỗ trợ sinh sản khác như dùng thuốc hoặc thụ tinh nhân tạo thất bại. Ở Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, giúp các cặp vợ chồng hiếm con có được niềm vui trọn vẹn.

Thụ tinh ống nghiệm là kỹ thuật y khoa phức tạp áp dụng cho cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn

Thụ tinh ống nghiệm là kỹ thuật y khoa phức tạp áp dụng cho cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn

2. Những đối tượng đủ điều kiện thụ tinh trong ống nghiệm

Đối với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, không phải đối tượng nào cũng đủ điều kiện để thực hiện. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn mà nguyên nhân vô sinh không làm mất đi hoàn toàn khả năng thụ tinh của tinh trùng và trứng. Cụ thể những trường hợp có thể thụ tinh trong ống nghiệm gồm:

– Rối loạn phóng noãn (tình trạng trứng rụng bị rối loạn)

Trứng rụng bị ngắt quãng, không thường xuyên khiến cho quá trình thụ thai diễn ra khó khăn.

– Vòi trứng tắc nghẽn hoặc bị tổn thương

Những người phụ nữ gặp tình trạng vòi trứng bị tổn thương hay tắc nghẽn khiến trứng khó gặp tinh trùng để thụ tinh hoặc có hình thành phôi thai nhưng chúng không thể di chuyển và làm tổ trong tử cung được.

– Suy buồng trứng, giảm chức năng hoạt động

Tình trạng mất chức năng buồng trứng xảy ra đối với phụ nữ trước tuổi 40 hay còn gọi là suy buồng trứng sớm. Phụ nữ gặp tình trạng này khiến buồng trứng không tạo ra được lượng estrogen cần thiết hoặc trứng không rụng thường xuyên theo từng chu kỳ kinh.

– Lớp lót bên trong tử cung bị lạc bên ngoài

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng lớp lót bên trong nội mạc bị lạc ra bên ngoài tử cung, gây ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và giảm khả năng thụ thai theo cách tự nhiên.

– U xơ tử cung

U xơ tử cung thường gặp ở những phụ nữ ở độ tuổi 30-40, khiến việc thụ thai tự nhiên trở nên khó khăn. Do đó, Kỹ thuật IVF là giải pháp tốt nhất để những người phụ nữ có thể mang thai.

– Đã thắt ống dẫn trứng

Với những chị em đã thực hiện thủ thuật triệt sản này nhưng lại muốn mang thai và sinh con thì IVF là phương pháp hỗ trợ đem đến hiệu quả cao nhất.

– Tinh trùng kém di động, số lượng tinh trùng thấp

Bác sĩ chỉ định thụ tinh ống nghiệm với những trường hợp tinh trùng của người chồng có số lượng ít, tinh trùng ít di động hoặc có những bất thường về hình dạng và kích thước… khó có thể thụ tinh với trứng.

– Hiếm muộn vô sinh không xác định được nguyên nhân

Cả hai vợ chồng gặp vấn đề vô sinh nhưng bác sĩ không xác định được chính xác nguyên nhân. Lúc này thụ tinh ống nghiệm là “cứu cánh” với kết quả mang thai cao nhất.

Ngoài những trường hợp kể trên thì những phụ nữ mắc các bệnh lý nghiêm trọng không thể thể mang thai hoặc gặp những bất thường ở tử cung khiến khó thụ thai cũng có thể chọn IVF hoặc nhờ người mang thai hộ. Với trường hợp này, trứng của người phụ nữ được thụ tinh với tinh trùng hình thành phôi thai. Phôi sau đó được cấy vào tử cung của người mang thai hộ.

Bên cạnh các đối tượng kể trên thì thụ tinh trong ống nghiệm còn áp dụng với một số trường hợp sau:

– Rối loạn di truyền có thể ảnh hưởng đến con

Nếu người vợ hoặc người chồng được chẩn đoán mắc một rối loạn di truyền có nguy cơ truyền sang cho con, bác sĩ sẽ chỉ định làm IVF. Với kỹ thuật này, những phôi thai khỏe mạnh sẽ được sàng lọc để cấy vào tử cung của người vợ.

Cặp vợ chồng rối loạn di truyền được chỉ định làm IVF

Cặp vợ chồng rối loạn di truyền được chỉ định làm IVF

– Bảo vệ khả năng sinh sản cho người bệnh bị ung thư hoặc mắc các bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng

Nếu người phụ nữ sắp phải làm hóa trị, xạ trị để điều trị ung thư hay bệnh tim… bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thụ tinh ống nghiệm nhằm bảo vệ khả năng sinh sản. Trứng sẽ được lấy và trữ đông hoặc có thể thụ tinh với tinh trùng tạo phôi, phôi được làm đông lạnh và bảo quản.

3. Quy trình thụ tinh ống nghiệm

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thực hiện bằng cách lấy trứng của người vọ và tinh trùng của người chồng hoặc của những người hiến tặng để tạo thành phôi thai và chuyển vào tử cung của người vợ hay người mang thai hộ. Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm như sau:

Bước 1: Khám sức khỏe tổng quát, đánh giá khả năng sinh sản

Bước đầu tiên trong quy trình này, bác sĩ sẽ khám sức khỏe tiền lâm sàng cho cả vợ và chồng để đánh giá khả năng sinh sản thông qua các xét nghiệm, siêu âm.

– Đối với người vợ

+ Xét nghiệm nội tiết tố: định lượng nội tiết hướng sinh dực (LH, FSH) nội tiết sinh dục (estrogen, progesteron,…) để đánh giá tình trạng hoạt động của trục tuyến yên- hạ đồi- buồng trứng và đánh giá dự trữ buồng trứng của người vọ((AMH, FSH, LH).

+ Xét nghiệm máu để xác định có mắc các bệnh lây qua đường tình dục như: viêm gan B, lấy dịch âm đạo xét nghiệm Chlamydia, HIV, giang mai…

+ Siêu âm phụ khoa, xác định các bất thường như u nang buồng trứng, u xơ tử cung và bất thường bẩm sinh của đường sinh dục nữ hay buồng trứng đa nang…

– Đối với người chống

+ Xét nghiệm tinh dịch đồ xác định tình trạng tinh trùng bất thường, yếu, số lượng ít hay không có tinh trùng…

+ Lấy máu thực hiện các xét nghiệm khác như bệnh lây truyền qua đường tình dục: HIV, viêm gan B, giang mai.

Trường hợp người chồng không có tình trùng, các xét nghiệm chuyên biệt sẽ được tiến hành để định lượng nội tiết sinh dục, siêu âm phần bìu…

Bước 2: Kích thích buồng trứng

Vào ngày thứ 2 của vòng kinh, bệnh nhân được chỉ định đếm số nang trứng và dùng thuốc kích thích buồng trứng, số ngày dùng trứng khoảng 8- 12 ngày.

Trong thời gian tiêm thuốc, bác sĩ sẽ hẹn ngày siêu âm và xét nghiệm cho người vợ nhằm theo dõi sự phát triển của nang não và tùy theo đáp ứng trứng của mỗi người để điều chính thuốc. Khi nang noãn đạt kích thước theo quy định, người vợ sẽ được bác sĩ tiêm mũi thuốc kích trứng cuối cùng để kích thích trứng trưởng thành, mũi tiêm này cần phải đảm bảo đúng giờ.

Bước 3: Chọc hút trứng

Sau khi mũi thuốc cuối cùng được tiêm khoảng 36- 40 giờ, người vợ phải nhịn đói vào buổi sáng, đến bệnh viện để chọc hút trứng. Bác sĩ sẽ gây mê khi thực hiện thủ thuật này nên bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn. Hoàn thành thủ thuật, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại bệnh viện khoảng 2-3 giờ để theo dõi sức khỏe.

Trứng và dịch nang lấy được sau chọc hút sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi. Cùng thời điểm này, người chồng được lấy tinh trùng chuẩn bị thụ tinh theo quy trình IVF hoặc tiêm trực tiếp tinh trùng vào bào tương noãn.

Bước 4: Thụ tinh

Tinh trùng và trứng được tạo phôi tại phòng Lab. Phôi được nuôi cấy từ 2-5 ngày ở bên ngoài. Số phôi tươi đạt tiêu chuẩn được chuyển vào cơ thể người vợ, số phôi còn lại sẽ được trữ đông. Với trường hợp người vợ không thể thực hiện chuyển phôi tươi, sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc uống và đặt âm đạo, chọn thời điểm thích hợp để thực hiện chuyển phôi đông lạnh.

Thụ tinh là bước quan trong trong quy trình IVF

Thụ tinh là bước quan trong trong quy trình IVF

– Bước 5: Chuyển phôi

Sau 2-5 ngày chọc hút trứng, phôi sẽ được chuyển vào tử cung của người vợ. Lúc này, bác sĩ sẽ đánh giá độ dày niêm mạc tử cung, nếu đảm bảo chất lượng tốt, thuận lợi cho phôi làm tổ và phat triển, bác sĩ sẽ thực hiện chuyển phôi với số lượng phù hợp. Số phôi còn lại sẽ được trữ đông lạnh dự trữ cho trường hợp chuyển phôi thất bại.

Người vợ nằm nghỉ ngơi tại bệnh viện 2-4 giờ để theo dõi, sau đó có thể về nhà. Tại nhà, người vợ tiếp tục sử dụng các loại thuốc nội tiết và nghỉ ngơi, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu chuyển phôi đông lạnh, người vợ sẽ được dùng thuốc, siêu âm theo dõi niêm mạc tử cung trong thời gian 14- 18 ngày, bắc đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh tiếp theo. Sau đó, bác sĩ sẽ chọn ngày phù hợp tiến hành chuyển phôi trữ.

– Bước 6: Kiểm tra kết quả mang thai

Hai tuần sau khi chuyển phôi, người vợ cần quay lại bệnh viện để xét nghiệm máu Beta HCG. Nếu nồng độ Beta HCG lớn hơn 25 IU/l là có thai, tùy thuộc vào mỗi người mà nồng độ này sẽ cao hay thấp và số lượng phôi làm tổ sau chuyển cũng khác nhau.

+ Sau 2 ngày nồng độ tăng gấp rưỡi thì thai đang phát triển tốt, người mẹ tiếp tục dùng thuốc dưỡng thai, đến ngày siêu âm để xác định túi thai tim thai.

+ Sau 2 ngày nồng độ không tăng hoặc giảm thì cần tiếp tục theo dõi. Nếu nồng độ beta về mức âm tính ( nhỏ hơn IU/l) người vợ đã bị sảy thai.

Với trường hợp thất bại sau lần thụ tinh trước, người vợ có thể tiếp tục sử dụng phôi thai đã trữ đông trước đó để chuyển vào tử cung ở chu kỳ tiếp theo mà không cần thực hiện lại các bước trước đó.

– Bước 7: Theo dõi thai kỳ

Xin chúc mừng những người phụ nữ có thai. Từ đây mẹ bầu sẽ bắt đầu một hành trình mới đầy vui mừng nhưng cũng rất gian nan. Vì thế, để thai nhi phát triển khỏe mạnh, an toàn, chị em cần tuân thủ hướng dẫn khám thai định kỳ.

4. Tỷ lệ thành công trong ống nghiệm là bao nhiêu

Theo hiệp hội thai kỳ Hoa Kỳ, tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm đạt khoảng 41-43% với phụ nữ dưới 35 tuổi. Phụ nữ trên 35 con số này chỉ còn 13-18%.

Nguyên nhân là do chất lượng tinh trứng sẽ giảm dần khi tuổi của phụ nữ càng lớn, nhất là sau 30 tuổi. Do vậy, với phụ nữ sau 40 tuổi, bác sĩ thường tư vấn cho họ lựa chọn trứng được hiến tặng để thụ tinh trong ống nghiệm nhằm làm tăng tỷ lệ có thai.

Ngoài ra, khả năng thành công của phương pháp này còn phụ thuộc vào các yếu tố sau:

Quá trình làm IVF: Khả năng thành công sẽ cao hơn nếu quá trình thực hiện IVF diễn ra suôn sẻ và sức khỏe của người mẹ được đảm bảo.

– Trạng thái phôi: Chất lượng phôi được cấy vào tử cung tốt, tỷ lệ mang thai sẽ lơn hơn.

– Tiền sử sinh sản: Với những người đã từng có con, khả năng mang thai IVF cao hơn những người phụ nữ khác. Ngược lại, những người đã từng thất bại nhiều lần khi sử dụng các phương pháp sinh sản thì tỷ lệ có thai sẽ giảm đáng kể.

– Vô sinh do lạc nội mạc tử cung: Khả năng thụ thai cao hơn nếu như việc cung cấp trứng bình thường. Còn trường hợp lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng, người phụ nữ sẽ có khả năng mang thai IVF thấp hơn những phụ nữ vô sinh không có nguyên nhân.

– Lối sống không lành mạnh: Thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều làm giảm đến 50% khả năng mang thai thành công. Ngoài ra, tình trạng béo phí, sử dụng một số loại thuốc nhất định cũng gây ra những nguy cơ khiến phụ nữ khó có thai khi thụ tinh ống nghiệm.

Tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm khoảng 41-43%

Tỷ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm khoảng 41-43%

5. Tác dụng phụ thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm hầu như không ảnh hưởng quá nhiều đến phụ nữ sau khi thực hiện kỹ thuật này ở bước đưa phôi vào tử cung. Một số triệu chứng được ghi nhận đó là đau bụng nhẹ, chướng bụng, rỉ âm đạo có lấm tấm máu. Hãy đi khám ngay nếu chị em bị đau vùng chậu, xuất huyết âm đạo, tiểu máu hoặc sốt cao.

Việc thụ tinh trong ống nghiệm cũng là nguyên nhân khiến cho chị em gặp phải một số nguy cơ sau:

– Mang đa thai: Trong quá trình chuyển phôi, với mong muốn tăng khả năng mang thai, nhiều chị em đã lựa chọn chuyển số lượng phôi lớn. Do đó khả năng mang đa thai sẽ xảy ra. Theo trang BabyCenter, có khoảng 20% các trường hợp mang thai với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là đa thai.

– Quá kích buồng trứng: Khi sử dụng các loại thuốc để kích thích trứng rụng, có thể gây ra hội chứng quá kích buồng trứng, khiến cho chúng bị đau và sưng.

– Sẩy thai: Khoảng 15- 25% các trường hợp phụ nữ bị sảy thai khi thực hiện chuyển phôi tươi thụ tinh ống nghiệm và con số này sẽ tăng theo tuổi của người mẹ. Việc chuyển phôi đông lạnh trên thực tế còn làm tăng nguy cơ sảy thai lên rất nhiều.

– Biến chứng sau chọc hút: Khi thực hiện kỹ thuật chọc hút, kim hút có thể gây chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương ruột, bàng quang hay mạch máu. Bên cạnh đó, việc gây mê để chọc hút cũng có thể gây ra những nguy cơ xấu với sức khỏe.

– Mang thai ngoài tử cung: Khoảng 2 – 5% phụ nữ làm IVF sẽ mang thai ngoài tử cung. Khi có thai ngoài tử cung, thai nhi không thể phát triển, không thể sinh ra và buộc bác sĩ phải chỉ định loại bỏ thai, gây nhiều nỗi buồn cho những người phụ nữ đang mong ngóng có con từng ngày.

– Tăng nguy cơ buồng trứng bị ung thư: Nhiều nghiên cứu của các bác sĩ chuyên khoa chỉ ra rằng có một số loại thuốc sử dụng để kích thích sự phát triển của trứng có mối liên hệ với tình trạng phát triển một loại khối u buồng trứng gây ung thư.

– Stress: Nhiều cặp vợ chồng rơi vào tình trạng stress căng thẳng do thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nhiều lần, tốn kém cả về thời gian và tài chính. Do đó, họ luôn cần sự động viên, giúp đỡ của người thân và bạn bè.

6. Làm gì với phôi dư

Trong kỹ thuật tạo phôi trước khi cấy vào tử cung của người vợ, số lượng phôi thu về có thể đạt được số lượng lớn. Việc đưa phôi vào tử cung của người vợ nếu sử dụng số lượng lớn sẽ làm gia tăng nguy cơ mang đa thai (thai hai, ba, tư…) làm tăng khả năng sinh non, sinh thiếu cân, thậm chí là sảy thai.

Chính vì thế, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng ở từng người phụ nữ, tư vấn và thống nhất với họ về số lượng phôi đưa vào tử cung phù hợp. Số còn lại sẽ được trữ đông trong môi trường phòng thí nghiệm vô trùng và để dự phòng cho những trường hợp thụ thai thất bại hoặc hiến tặng cho những cặp vợ chồng hiếm muộn khác.

7. Chi phí làm IVF bao nhiêu?

Thụ tinh trong ống nghiệm mang lại tỷ lệ thành công tương đối lớn, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện một ca sinh con theo phương pháp hỗ trợ sinh sản này thường khá lớn, từ khoảng 60- 100 triệu đồng, tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh của cặp vợ chồng, những xét nghiệm, siêu âm, số lần thực hiện chu kỳ IVF hoặc phác đồ điều trị của bác sĩ.

Chính vì lẽ đó, khi lựa chọn phương pháp thụ thai này, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị tốt nhất về điều kiện tài chính, tuân thủ những quy định, hướng dẫn, phối hợp với bác sĩ thực hiện phác đồ điều trị để đạt được kết quả mong muốn ngay từ lần đầu thực hiện, tránh việc phát sinh chi phí cho nhiều lần thực hiện lại. Đồng thời, lựa chọn bệnh viện uy tín, có đội ngũ bác sĩ mát tay, chuyên môn cao để gửi gắm niềm tin.

Thụ tinh trong ống nghiệm có chi phí từ 60-100 triệu đồng

Thụ tinh trong ống nghiệm có chi phí từ 60-100 triệu đồng

Trên đây là toàn bộ những thông tin chia sẻ của các chuyên gia sản khoa về phương pháp hỗ trợ sinh sản có nhiều điểm ưu việt- thụ tinh ống nghiệm. Nếu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đang trên đường tìm kiếm cơ hội trở thành cha mẹ, hãy tham khảo kỹ thuật này nhé.

ĐĂNG KÝ MESSENGER
<< Địa chỉ

1900.633.988

FB chat

Chat zalo

Vị trí