Xin trứng để thụ tinh nhân tạo – tia hi vọng cho nhiều gia đình Việt
Phụ nữ vô sinh có rất nhiều nguyên nhân, trong đó một lý do rất lớn chính là trứng không đáp ứng được nhu cầu, chủ yếu là không có trứng khiến quá trình thụ tinh không thể xảy ra. Với sự phát triển của y học hiện đại, đặc biệt là phương pháp xin trứng để thụ tinh nhân tạo đã giúp cho rất nhiều phụ nữ vô sinh hạnh phúc khi được làm mẹ.
1. Khi nào nên xin trứng để thụ tinh nhân tạo
Phụ nữ sau khi dậy thì, các bộ phận trong cơ quan sinh sản ngày càng hoàn thiện và phát triển. Mỗi một người sẽ có lượng trứng nhất định và mất dần theo từng chu kỳ kinh nguyệt, kết thúc quá trình rụng trứng khi tiền mãn kinh. Trong khi đó, trứng lại quyết định tới 50% tỷ lệ thành công của việc thụ thai. Những trường hợp sau đây cần thực hiện xin trứng để thụ tinh nhân tạo nếu:
– Phụ nữ trên 40 tuổi có nhu cầu mang thai nhưng trứng không đảm bảo được chất lượng hoặc buồng trứng không cung cấp đủ số lượng trứng cần thiết để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Đặc biệt, với phụ nữ tuổi càng lớn thì tỷ lệ thành công khi làm IVF càng thấp, thường sẽ dưới 10%.
Tỷ lệ của các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh ống nghiệm hiện nay thành công rơi vào khoảng 30 đến 50%, cần từ 2 đến 3 phôi tốt để chuyển vào buồng tử cung làm tổ, đồng nghĩa với việc tối thiểu cần có 8 đến 15 trứng.
Tuy nhiên, ở phụ nữ trên 40 tuổi buồng trứng của người vợ chỉ có khoảng 3 nang noãn hoặc ít hơn thì nếu kích thích buồng trứng cũng sẽ không có quá nhiều tác dụng. Lúc đó, tình trạng này được gọi là suy giảm dự trữ ở buồng trứng và cần có chỉ định xin trứng mới có thể đảm bảo yêu cầu của phương pháp hỗ trợ sinh sản.
– Phụ nữ dưới 40 tuổi nhưng suy buồng trứng nguyên phát hoặc thứ phát với các biểu hiện như mất kinh sớm, kinh nguyệt gián đoạn và thường vài tháng mới đến kỳ kinh một lần.
Những người đã từng thực hiện phẫu thuật như bóc tách nang buồng trứng, cắt bỏ một buồng trứng hoặc xạ trị, dùng thuốc để điều trị ung thư cũng có thể để lại nhiều di chứng khiến mô lành trong buồng trứng bị tổn thương, số lượng trứng ít hơn so với những người phụ nữ thông thường.
Bên cạnh đó, số ít một số trường hợp được chỉ định xin trứng để thụ tinh nhân tạo do trứng lép hoặc chất lượng trứng quá kém, không đáp ứng được yêu cầu khiến thất bại nhiều lần. Tuy nhiên, xin trứng ở trường hợp này sẽ ít gặp hơn so với những trường hợp suy giảm buồng trứng.
2. Người cho trứng có bị ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này không
Phần lớn do có ít kiến thức trong vấn đề sinh sản hoặc chưa tìm hiểu kỹ nên nhiều người lo sợ cho trứng sẽ khiến sức khỏe của bản thân bị ảnh hưởng, thậm chí là “hết trứng”. Tuy nhiên, điều này là không có cơ sở và trái ngược với khoa học. Người cho trứng sẽ không hề bị ảnh hưởng gì tới khả năng sinh sản hay quá trình sản sinh trứng và phóng noãn sau này.
Theo số liệu nghiên cứu khoa học đã được công bố, trong cơ thể phụ nữ bình thường có khoảng 2 triệu nang trứng, theo sự phát triển của cơ thể, các nang này thoái hóa một cách tự nhiên, cho đến lúc dậy thì, số nang trứng còn lại từ 300.000 đến 400.000 trứng. Trong mỗi chu kỳ hành kinh hàng tháng, có từ 50 đến 100 nang được đi vào quá trình phát triển và chọn lọc.
Nhưng lại chỉ có duy nhất 1 trứng to và chất lượng đạt yêu cầu, chín và rụng xuống để tham gia vào quá trình thụ tinh. Các nang trứng không đạt yêu cầu sẽ thoái hóa, theo kinh nguyệt cùng các chất thải trong cơ thể bài tiết ra ngoài.
Hormone FSH quyết định trực tiếp tới sự phát triển bình thường của trứng. Ở cơ thể người phụ nữ, lượng hormone FSH tiết ra khá nhỏ, chỉ đủ để kích thích cho 1 nang trứng phát triển và rụng xuống. Tuy nhiên, khi cho trứng để thụ tinh nhân tạo, người cho trứng sẽ được sử dụng thuốc có tác dụng tương tự FSH, kích thích để cơ thể tiết ra nhiều FSH hơn, giúp cho nhiều nang noãn phát triển.
Hay nói cách khác, khi kích trứng sẽ chỉ tác động tới nang noãn bị thoái hóa trong chu kỳ đó và hoàn toàn không ảnh hưởng tới những chu kỳ sau. Thay vì để các nang noãn thoái hóa dần và đào thải ra ngoài cơ thể thì kích thích để các nang noãn phát triển một cách tốt đa, thu được nhiều hơn trứng chất lượng, giúp nâng cao tỷ lệ thành công.
Như vậy, dù là người cho trứng hay người xin trứng cũng sẽ đều không có bị ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe
3. Người cho trứng cần đáp ứng những yêu cầu nào?
Sự phát triển của y học với các biện pháp hỗ trợ sinh sản, vấn đề pháp lý cần rõ ràng và minh bạch hơn bao h hết. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người cho trứng phải đảm bảo được đầy đủ những yếu tố dưới đây:
– Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 18 đến 35 tuổi.
– Không có bất kỳ quan hệ huyết thống nào với chồng của người nhận trứng.
– Sức khỏe bình thường, không mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, lậu, HIV, viêm gan B,…
– Đã kết hôn/lập gia đình và có tối thiểu một con từ 12 tháng tuổi trở lên.
– Trước đây chưa từng cho trứng hoặc tham gia vào hoạt động hỗ trợ sinh sản nào khác.
– Kết quả xét nghiệm, siêu âm cho thấy chức năng buồng trứng khỏe mạnh và hoạt động một cách bình thường.
– Chưa từng thực hiện can thiệp phẫu thuật đối với buồng trứng và tử cung, không có các bệnh lý liên quan tới cơ quan sinh sản nhất là buồng trứng, tuyến vú.
– Không trong quá trình nuôi và cho con bú bằng sữa mẹ.
4. Quy trình xin trứng để thụ tinh nhân tạo bạn cần biết
Với những người xin trứng để thụ tinh nhân tạo sau khi tìm được đối tượng cho trứng đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về mặt pháp lý nêu trên, đơn vị điều trị vô sinh hiếm muộn mà bạn đang điều trị sẽ thực hiện xét nghiệm đối với người cho trứng để kiểm tra xem chất lượng trứng có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Thông thường, người cho trứng sẽ phải thực hiện xét nghiệm để xác định cụ thể:
– Xét nghiệm máu: Đảm bảo tuyệt đối rằng người cho trứng sức khỏe bình thường và không mắc phải bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào liên quan tới giang mai, viêm gan hay HIV,.. đảm bảo sức khỏe cho cả người nhận trứng cũng như đội ngũ bác sĩ chuyên môn trực tiếp thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản IVF.
– Đánh giá khả năng dự trữ của buồng trứng: Bên cạnh việc đánh giá dựa trên độ tuổi(người càng trẻ số nang noãn càng nhiều) thì người cho trứng còn được chỉ định thực hiện siêu âm để đếm số nang noãn có trong buồng trứng đồng thời thực hiện xét nghiệm chỉ số AMH có trong máu.
Với sự ra đời của xét nghiệm AMH giúp đánh giá chính xác nhất tình trạng dự trữ cũng như số lượng nang noãn hiện có mà không cần đợi đến lúc hành kinh. Chỉ cần có người cho trứng, bạn có thể đưa đến để thăm khám và thực hiện bất kỳ lúc nào, giúp tiết kiệm thời gian và thuận lợi rất nhiều trong quá trình điều trị.
– Xét nghiệm tiền mê: Người cho trứng cần thực hiện khám tổng quát cũng như xét nghiệm để bắt đầu thực hiện gây mê nhẹ trong khoảng thời gian 5 phút để chọc hút lấy trứng.
Sau khi thực hiện đủ những xét nghiệm trên, người xin trứng để thụ tinh nhân tạo cũng như người cho trứng sẽ được kê thuốc để điều chỉnh kỳ kinh, bao gồm thuốc uống trong vòng 14 ngày. Cả người cho và nhận đều uống với số lượng như nhau là 1 viên/ngày để đảm bảo rằng cả hai đều có kinh nguyệt trong cùng một thời điểm.
Nếu thời điểm hành kinh của cả hai đều giống nhau, bạn sẽ được chỉ định để sử dụng thêm thuốc hỗ trợ, chuẩn bị cho nội mạc tử cung đảm bảo các yêu cầu là nơi phôi làm tổ và phát triển một cách khỏe mạnh nhất. Người cho trứng thì được tiêm thuốc kích trứng, để buồng trứng phát triển nhiều nang noãn nhất có thể.
Tùy vào từng khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể mà người cho sẽ được chỉ định tiêm từ 1 đến 3 mũi trong khoảng thời gian từ 10 đến 12 ngày. Việc tiêm thuốc có thể thực hiện tại nhà, tuy nhiên cần tuân thủ và làm theo những hướng dẫn của các bác sĩ chuyên môn.
Trong khoảng thời gian này, cả người nhận và người cho trứng đều cần đến bệnh viện nơi thực hiện IVF để siêu âm từ 2 đến 4 lần và theo dõi sự phát triển của nang noãn để có những bước xử lý tiếp theo.
Nếu nang trứng phát triển và đạt được yêu cầu, người cho trứng sẽ được các bác sĩ chuyên môn gây mê và thực hiện chọc hút trứng thông qua ngả âm đạo. Thời gian để chọc hút trứng ra khỏi cơ thể chỉ kéo dài khoảng 5 phút, và theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi hút trứng tại bệnh viện và có thể trở về nhà sau 2 giờ nếu tình trạng ổn định.
Sau khi chọc hút trứng 2 ngày, phôi sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người nhận trứng để bám và làm tổ, phát triển thai nhi một cách bình thường.
Có thể tính trung bình thời gian điều trị của người cho trứng như sau:
– Buổi đầu tiên: Thực hiện khám và xét nghiệm đánh giá mức độ sức khỏe và khả năng cho trứng.
– 2 tuần sử dụng thuốc để điều chỉnh kỳ kinh nguyệt. Trong 2 tuần này người cho trứng vẫn có thể đi làm và sinh hoạt một cách bình thường.
– Từ 10 đến 12 ngày sử dụng kích trứng cần tới bệnh viện từ 2-4 lần để xét nghiệm máu và siêu âm chuyên môn.
– 1 ngày chọc hút trứng ra khỏi cơ thể. Nên nghỉ ngơi nhẹ nhàng sau khi hút trứng.
5. Một số biến trứng có thể xảy ra trong quá trình xin trứng
Sự phát triển của y học hiện đại không chỉ giúp phụ nữ vô sinh có cơ hội được làm mẹ, mà còn giảm thiếu rất nhiều nguy cơ cũng như những yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe của người cho trứng. Tỷ lệ xảy ra biến chứng là vô cùng hiếm 0,1%, được coi là khá an toàn đối với người cho trứng. Với phác đồ kích thích buồng trứng được nghiên cứu và chỉ định tùy theo mức độ đáp ứng của từng cơ thể người cho trứng.
Sự theo dõi sát sao của bác sĩ chuyên môn khi thực hiện thủ thuật chọc hút trứng, bạn hoàn toàn có thể yên tâm và đảm bảo sức khỏe của người cho. Tuy nhiên, dù là tỷ lệ nhỏ nhưng chúng ta cũng nên cẩn thận với một số các biến chứng có thể xảy ra như:
– Buồng trứng bị xoắn: Đây là tình trạng gặp phải khi dây treo của buồng trứng bị xoắn lại khiến cho lượng máu nuôi dưỡng buồng trứng suy giảm một cách đáng kể. Nếu bạn đau bụng vùng dưới bên trái hoặc bên phải một cách dữ dội theo từng cơn, có triệu chứng buồn nôn tiêu chảy thì cần thăm khám kịp thời để thực hiện mổ nội soi tháo xoắn cho buồng trứng.
– Xuất huyết tại buồng trứng hay còn gọi là chảy máu buồng trứng: Biểu hiện cụ thể như đau bụng rồi lan lên hai bên vai, cơ thể mệt mỏi, chóng mặt.
– Xuất huyết bàng quang: Bàng quang trong cơ thể bị tổn thương và chảy máu, đi tiểu ra máu, có màu đỏ, cần kết hợp uống nhiều nước cùng thuốc cầm máu để điều trị từ sâu bên trong. Trường hợp nặng cần thực hiện súc bàng quang để dứt điểm tình trạng trên.
– Quá kích buồng trứng: Thường xảy ra do lựa chọn địa chỉ không uy tín, bác sĩ không đủ chuyên môn để đưa ra phác đồ và liều kích trứng phù hợp. Người cho trứng do sử dụng quá liều khiến cho hai buồng trứng nở to, ổ bụng hoặc màng phổi xuất hiện dịch dẫn tới buồn nôn, khó thở, đau bụng.
Trường hợp nhẹ có thể uống nhiều nước để làm dịu, những trường hợp nặng cần chọc hút hết dịch trong ổ bụng mới có thể khắc phục biến chứng này.
Để hạn chế và giảm thiểu nguy cơ biến chứng, người cho trứng để thụ tinh nhân tạo cần đảm bảo: Sử dụng các biện pháp tránh thai và ngừa thai trong suốt quá trình thực hiện cho trứng. Hạn chế làm việc nặng nhọc khi đã sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Những ngày gần thời gian chọc trứng không nên quan hệ tình dục.
Và quan trọng hơn cả, theo dõi sức khỏe của bản thân và báo ngay cho bác sĩ nếu có cảm nhận được sự thay đổi bất thường trong cơ thể.
6. Quan điểm sai lầm cần tránh khi xin trứng để thụ tinh nhân tạo
Xin trứng để thụ tinh nhân tạo giúp rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, đặc biệt là người vợ được làm cha mẹ. Tuy nhiên, để hiểu đúng và có cách nhìn nhận khách quan về vấn đề này không phải ai cũng đang làm được. Những quan điểm sai lầm về việc cho và nhận trứng mà chúng ta cần tránh đó chính là:
– Cho trứng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, khiến người cho trứng gặp phải tình trạng hết trứng: Người cho trứng không hề bị ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản hoặc số lượng trứng sản sinh ở các chu kỳ kinh nguyệt phía sau.
– Đi xin trứng là hành động trái pháp luật: Pháp luật Việt Nam đã có những quy định rõ ràng về vấn đề xin trứng để thụ tinh nhân tạo. Vì vậy, đây là hành động không hề trái với pháp luật nếu bạn làm đúng theo những quy định mà luật pháp đã đưa ra.
Tình trạng suy giảm buồng trứng đang diễn ra và có xu hướng tăng ở khá nhiều phụ nữ hiện nay. Để hỗ trợ sinh sản và có con sau nhiều năm hiếm muộn vợ chồng bạn cần tới thăm khám ở những cơ sở uy tín, nếu được chỉ định xin trứng để thụ tinh nhân tạo thì cần được sự đồng ý của cả vợ và chồng cũng như người thực hiện cho trứng.