Menu
date
Từ T2 - CN Mở cửa từ 7h - 18h
phone
Tư vấn miễn phí 1900633988

Bệnh Viện Hồng Hà

U nang buồng trứng và những thay đổi trong quá trình mang thai

Hầu hết các u nang buồng trứng khi mang thai đều tự biến mất trong thai kỳ mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, nếu xảy ra các trường hợp cấp tính như xoắn buồng trứng, sản phụ cần được can thiệp kịp thời bằng phẫu thuật. Lúc này, phương pháp phẫu thuật qua nội soi sẽ được ưu tiên chọn lựa.

1. Nguyên nhân u nang buồng trứng khi mang thai

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới u nang buồng trứng khi mang thai. Hầu hết những nguyên nhân đó đều là nguyên nhân chung, kể cả người không mang thai lẫn thai phụ bị u nang buồng trứng đều bắt nguồn từ những nguyên nhân này.

  • Nang trứng phát triển không đầy đủ dẫn tới việc không hấp thụ được các chất lỏng trong buồng trứng
  • Mạch máu của những vùng lạc nội mạc tử cung bị vỡ dẫn tới xuất huyết và tạo thành nang
  • Thể vàng, hay còn gọi là đơn vị chức năng của buồng trứng phát triển quá mức làm xuất hiện nang hoàng thể
  • Dư thừa HCG (chorionic gonadotropin) dẫn tới u nang do các khối u xuất hiện trong thời kỳ thai nghén và rối loạn HCG để kích thích rụng trứng
  • Hormone luteinizing kích thích buồng trứng làm rối loạn nội tiết của buồng trứng, hình thành u nang.

2. Triệu chứng u nang buồng trứng khi mang thai

Triệu chứng thai phụ bị u nang buồng trứng cũng tương tự như những người không mang thai. Những triệu chứng này thường dễ gây nhầm lẫn với dấu hiệu của những bệnh khác nên chị em cần phải chú ý kết hợp để nhận biết. Đặc biệt là khi có thai, các triệu chứng trở nên khó đoán hơn vì thường giống với tình trạng ốm nghén. Sau đây là một số biểu hiện u nang buồng trứng mà phụ nữ mang thai thường gặp phải:

  • Đau vùng chậu: Thường xuyên cảm thấy đau vùng chậu, phần bụng dưới, đau một bên hoặc đôi lúc cả hai bên. Nếu cơn đau đột ngột và dữ dội có thể đó là dấu hiệu cảnh báo xoắn hoặc vỡ u nang, khiến người bệnh phải đi cấp cứu gấp
  • Chảy máu âm đạo bất thường: Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường sẽ tạm thời ngưng lại khi mang thai. Tuy nhiên, nếu thấy biểu hiện chảy máu âm đạo bất thường thì bà bầu nên xem xét tới nguy cơ bị u nang buồng trứng
U nang buồng trứng khi đang mang thai

Thai phụ bị u nang buồng trứng thường có triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường

  • Bụng to hơn tuổi thai hoặc áp lực ổ bụng cao bất thường: Khi phụ nữ có thai mà bị u nang buồng trứng, họ sẽ cảm thấy bụng to hơn tuổi thai, đặc biệt là những phụ nữ đã sinh con lần đầu. Đi kèm với vấn đề đó là chị em sẽ thấy mệt mỏi, khó thở do khối u chèn ép cơ hoành
  • Cảm giác đau ngực, buồn nôn, triệu chứng này thường nhầm lẫn với bị nghén
  • Cơ thể gầy yếu, sụt cân nhanh, hay choáng váng: Đây là dấu hiệu khi khối u phát triển theo chiều hướng ác tính.

3. U nang buồng trứng khi mang thai có nguy hiểm không?

Để nhận định u nang buồng trứng khi mang thai có nguy hiểm không thì còn phụ thuộc đấy là loại u lành tính hay ác tính, có kích thước như thế nào, tính chất khối u ra sao, u xuất hiện vào thời gian nào của thai kỳ. Một số loại u nang ban đầu lành tính, nhưng chúng có thể tăng dần kích thước hoặc hóa ác tính, nếu không theo dõi sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho thai phụ, khiến tăng nguy cơ sảy thai, gây khó sinh và có thể ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé.

Có không ít trường hợp, bác sĩ phải chỉ định đình chỉ thai nghén để bảo vệ tính mang cho thai phụ bị u nang buồng trứng, bởi khi phát hiện thì các biến chứng đã trở nên nặng và phải áp dụng biện pháp phẫu thuật gấp để loại bỏ.

3.1. U chèn ép thai nhi

U nang buồng trứng xuất hiện trong thời kỳ thai nghén gây ảnh hưởng không ít tới việc phát triển của thai nhi. Bào thai sẽ chịu nhiều chèn ép do nó gắn liền với sự phát triển của kích thước khối u và cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của khối u. Sự phát triển bình thường của thai nhi sẽ trở nên khó khăn vì thiếu không gian do khối u đã chiếm mất.

3.2. Xoắn u

Xoắn u là một biến chứng nguy hiểm mà phụ nữ bị u nang buồng trứng khi mang thai dễ gặp phải. Biến chứng xoắn u thường gặp ở những loại u có cuống, tỉ trọng nặng và trong thời kỳ hậu sản, khi sản phụ vừa sinh em bé xong. Lúc này, ổ bụng trống do kích thước tử cung nhỏ lại khiến khối u dễ bị xoắn.

3.3. U bị vỡ

Trường hợp xoắn u, và u chèn ép bào thai, nó cũng chịu một lực ép trở lại khiến cho u dễ bị vỡ. U vỡ khiến cho dịch trong khối u thoát ra ngoài gây nhiễm trùng, mất máu khiến thai phụ đau bụng, xây xẩm mặt mày và có thể dẫn tới nguy cơ tử vong cho cả mẹ và em bé.

3.4. U hóa ác tính

Khối u nếu không được phát hiện và theo dõi kịp thời, có thể dẫn tới việc u hóa ác tính. Đây là một biến chứng của u nang buồng trứng khi mang thai gây ung thư buồng trứng, rất nguy hiểm cho mẹ và bé.

4. Điều trị u nang buồng trứng khi mang thai

Khi phát hiện bị u nang buồng trứng khi mang thai, thai phụ cần phải được theo dõi một cách chặt chẽ. Và việc điều trị u nang buồng trứng cho phụ nữ khi mang thai phải xem xét trên nhiều yếu tố: Tính chất khối u, kích thước u, tình trạng sức khỏe của thai phụ và tuổi thai.

  • U nang buồng trứng ở 3 tháng đầu thai kỳ: Thường thì trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ, u nang buồng trứng có thể tự teo mà không cần phải can thiệp y tế nếu không có gì bất thường. Giai đoạn này, thai phụ cần được thường xuyên được siêu âm theo dõi
  • U nang buồng trứng ở 3 tháng giữa thai kỳ: Đây là thời điểm có thể phẫu thuật để loại bỏ khối u nếu cần thiết. Lúc này, việc phẫu thuật tương đối an toàn. Phẫu thuật xong, khối u sẽ được đem đi làm xét nghiệm để xác định là u lành tính hay u ác tính. Quá trình thai nghén sẽ diễn ra bình thường nếu là u lành. Tuy nhiên, nếu khối u là u ác hay ung thư buồng trứng, thì các bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng thai phụ và thai nhi để sử dụng các biện pháp nhằm tăng tỉ lệ sống của một trong hai, hoặc cả hai.
  • U nang buồng trứng khi mang thai ở 3 tháng cuối: Đối với khối u lành tính, thai phụ sẽ được cho chuyển dạ tự nhiên, hoặc mổ lấy thai kết hợp loại bỏ u buồng trứng nếu u cản trở gây khó sinh. Với u ác tính, phải sử dụng thuốc hỗ trợ phổi cho thai, và khi thai đủ trưởng thành, có thể sống khỏe mạnh sau khi được sinh ra, cần tiến hành phẫu thuật lấy u buồng trứng.
Có thai mà bị u nang buồng trứng

Cần phải phẫu thuật để đưa em bé ra nếu u nang cản trở gây khó sinh

  • U nang buồng trứng sau khi sinh: Giai đoạn này có thể phẫu thuật vì an toàn cho cả mẹ và con.

5. Phòng ngừa u nang buồng trứng khi mang thai

Để phòng ngừa u nang buồng trứng khi mang thai, cần đi khám phụ khoa định kỳ để theo dõi vấn đề sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, trước khi có ý định sinh con, chị em nên gặp bác sĩ để khám phụ khoa, siêu âm, đặc biệt là theo dõi tử cung và buồng trứng.

Trong vòng 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ phải thường xuyên lui tới phòng khám phụ sản để theo dõi sức khỏe của bản thân cũng như thai nhi, để đề phòng những trường hợp không mong muốn, như u nang buồng trứng có thể xảy đến với bản thân mình. Không những vậy, những giai đoạn tiếp theo của quá trình mang thai cũng cần phải được kiểm tra kỹ lưỡng.

U nang buồng trứng khi mang thai

Để ngăn ngừa và phát hiện u nang buồng trứng cần phải khám thai thường xuyên

Trên đây là những chia sẻ về vấn đề bị u nang buồng trứng khi mang thai mà chúng tôi dành ra cho bạn. Nếu còn điều gì cần giải đáp về vấn đề này, thì đừng ngần ngại gọi điện tới số 1900.633.988 để được tư vấn. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến địa chỉ Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà 16 Nguyễn Như Đổ, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội để trực tiếp đưa ra vấn đề cũng như thăm khám. Chúc các bạn sức khỏe!
ĐĂNG KÝ MESSENGER
<< Địa chỉ

1900.633.988

FB chat

Chat zalo

Vị trí