Uống thuốc tránh thai bị rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Lần đầu uống thuốc tránh thai bị rối loạn kinh nguyệt khiến nhiều chị em hoang mang. Kinh nguyệt có lúc xuất hiện 2 lần trong tháng nhưng có tháng lại bị chậm kinh. Vậy nguyên nhân là gì và liệu có cách khắc phục không? Chị em cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.
1. Hiểu về uống thuốc tránh thai và rối loạn kinh nguyệt
Sử dụng thuốc tránh thai là một trong những cách tránh thai phổ biến nhất hiện nay. Thuốc tránh thai có nhiều loại. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc tránh thai nào cũng sẽ đi kèm tác dụng phụ. Hai thành phần chính của thuốc tránh thai là hormone nội tiết tố nữ estrogen và progesterone.
Khi bạn uống thuốc tránh thai, đồng nghĩa là bạn đang bổ sung một lượng hormone sinh dục nữ vào cơ thể. Hàm lượng hormone tăng lên làm ức chế quá trình rụng trứng, gây ra rối loạn kinh nguyệt. Đồng thời, lớp niêm mạc tử cung thay đổi khiến trứng không thể làm tổ. Điều này cũng khiến kinh nguyệt bất thường sau khi sử dụng thuốc.
2. Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt khi uống thuốc tránh thai
Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt khi dùng thuốc tránh thai có thể do:
– Uống thuốc tránh thai trong thời gian dài khiến mất cân bằng nội tiết và gây rối loạn kinh nguyệt.
– Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp có hàm lượng hormone sinh dục cao, gây xuất huyết do bong lớp niêm mạc tử cung.
– Uống quá nhiều thuốc tránh thai trong 1 thời gian ngắn.
– Mẫn cảm với một số thành phần trong thuốc tránh thai.
3. Triệu chứng nhận biết uống thuốc tránh thai bị rối loạn kinh nguyệt
Chị em có thể thấy uống thuốc tránh thai bị rối loạn kinh nguyệt sẽ xuất hiện một số triệu chứng như sau:
– Bị hành kinh chỉ vài ngày sau khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Điều này sẽ khiến chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo bị thay đổi
– Lượng khí hư ra nhiều bất thường
– Kinh nguyệt ra một lượng lớn trong một 1 lần hành kinh
– Thời gian hành kinh >7 ngày, lượng máu kinh ít
– Màu sắc kinh nguyệt thay đổi, sẫm hơn
Ngoài ra, bạn có thể thấy những biểu hiện rối loạn kinh nguyệt khác như:
– Đau bụng dưới, căng tức đầu vú, tăng cân
– Cơ thể mệt mỏi
– Mụn trứng cá nhiều hơn
4. Rối loạn kinh nguyệt sau khi uống thuốc tránh thai có nguy hiểm không?
Đa số phụ nữ sẽ gặp hiện tượng rối loạn kinh nguyệt trong thời gian uống thuốc tránh thai.
Sử dụng thuốc tránh thai làm cơ thể mất cân bằng đột ngột. Chính vì vậy, sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để quen với tác dụng của thuốc.
Thông thường, sau 2 đến 3 tháng thì kinh nguyệt sẽ ổn định trở lại. Chị em không cần quá lo lắng về điều này.
Tuy nhiên, chị em uống thuốc tránh thai có thể thấy có biểu hiện rối loạn kinh nguyệt nặng hơn.
Nếu chu kỳ kinh nguyệt thay đổi thường đi kèm với các dấu hiệu như kinh nguyệt màu đen, vón cục máu đông, có mùi hôi,… thì sẽ rất nguy hiểm
Chị em khả năng đã mắc phải u nang buồng trứng, u xơ tử cung, viêm cổ tử cung,…. Khi sử dụng thuốc, lượng hormone thay đổi gây ảnh hưởng xấu đến bệnh, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Rong kinh khiến vùng kín luôn ẩm ướt và dễ viêm nhiễm.
Đặc biệt, một số chị em lạm dụng thuốc tránh thai sẽ có tác động mạnh lên cơ thể. Thuốc khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt và cảm thấy đau đầu, buồn nôn, thậm chí là vô kinh, ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này. Rối loạn kinh nguyệt khi dùng thuốc tránh thai khẩn cấp lâu dần sẽ khiến lớp niêm mạc tử cung mỏng đi, âm đạo giảm tiết dịch và khó có thể có thai.
5. Rối loạn kinh nguyệt sau dùng uống thuốc tránh thai làm sao để khắc phục?
Nếu chị em bị trễ kinh nhưng kinh nguyệt không có dấu hiệu bất thường, thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc ngưng sử dụng thuốc. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định lại sau đó. Trong trường hợp, rối loạn kinh nguyệt kèm biểu hiện bất thường, xảy ra thường xuyên, có thể khiến chị em mệt mỏi và ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày.
Chị em cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra nguyên nhân và được tư vấn, điều trị.
Ngoài ra, bạn có thể hạn chế rối loạn kinh nguyệt sau khi dùng thuốc tránh thai bằng những biện pháp sau:
– Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, tránh sử dụng các chất kích thích gây mất cân bằng nội tiết.
– Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin a,e, tăng khí huyết, chống lão hóa.
– Tập thể dục thường xuyên, nhẹ nhàng, giúp cơ thể tự điều hòa
– Ngủ đủ giấc, không thức quá khuya, làm việc quá áp lực
– Giữ tâm trạng ổn định, tránh lo âu
– Khám phụ khoa định kỳ
Nếu uống thuốc tránh thai bị rối loạn kinh nguyệt, chị em cần gọi điện và xin tư vấn từ các bệnh viện lớn. Các bác sĩ có chuyên môn giỏi của bệnh viện sẽ giúp chị em tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.