Cắt cuốn mũi gây vô sinh không? sự thật hay lời đồn truyền miệng
Phẫu thuật cắt cuốn mũi nhằm mục đích mở rộng khoang mũi, cho đường thở được thông thoáng hơn. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào khẳng định cắt cuốn mũi gây vô sinh hay ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Nếu bác sĩ chỉ định cần phải thực hiện phẫu thuật cắt cuốn mũi để điều trị dứt điểm, cải thiện chất lượng cuộc sống thì người bệnh đừng quá lo lắng.
1. Phẫu thuật cắt cuốn mũi có gây vô sinh không?
Các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khẳng định phẫu thuật cắt cuốn mũi không gây vô sinh, không tác động đến chức năng sinh sản của người bệnh. Vì thế, khi gặp các bệnh lý về mũi nhưng việc điều trị bằng các loại thuốc không mang lại hiệu quả thì người bệnh đừng từ chối phẫu thuật nếu đó là cách tốt nhất để loại bỏ hoàn toàn tình trạng bệnh.
Thông thường trong khoang mũi sẽ có ba loại cuốn mũi: cuốn mũi giữa, trên và dưới. Trong đó cuốn mũi dưới có khớp nối trực tiếp với phần xương vòm miệng và xương hàm trên cùng bên. Cuốn mũi giữa và trên thực chất là một phần thuộc xương sàng.
Cuốn mũi có thể thu hẹp hoặc gia tăng diện tích khoang mũi, từ đó gia tăng hoặc hạn chế luồng khí di chuyển vào bên trong mũi, thực hiện chức năng làm ấm luồng khí di chuyển trong khoang mũi; lọc bụi giữ bụi lại qua hệ thống lông mũi và chất nhầy; tiêu diệt vi khuẩn có hại, tăng miễn dịch cho mũi.
Cuốn mũi là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với không khí bên ngoài nên dễ bị tổn thương nhất khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch. Vì thế, bộ phận này trong mũi dễ mắc các bệnh lý như cảm lạnh, xoang hơi, dị ứng, chứng ngưng thở khi ngủ, hẹp van mũi… Nếu không điều trị kịp thời bệnh lý ở cuốn mũi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
2. Cần thực hiện phẫu thuật cắt cuốn mũi khi nào?
Hầu hết các bệnh lý về cuốn mũi đều có thể chữa khỏi bằng thuốc nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu điều trị nội khoa bằng thuốc không đạt hiệu quả hoặc người bệnh đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật cắt cuốn mũi để tránh biến chứng, lây nhiễm hoặc tấn công đến các vùng khác sẽ được tiến hành phẫu thuật.
Về cơ bản, phẫu thuật cuốn mũi sẽ giúp mở rộng phần khoang mũi, cho đường thở thông thoáng và dễ chịu hơn. Trong quá trình phẫu thuật cắt cuốn mũi, bằng kỹ thuật tạo ra các tần số/dao cắt từ năng lượng ion hóa, những phần cuốn mũi tổn thương không thể phục hồi sẽ được loại bỏ hoàn toàn.
Theo đó, trường hợp được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt cuốn mũi là:
– Phì đại cuốn mũi gây nghẹt mũi quá mức hoặc chảy nước mũi
– Cuốn mũi phì đại kèm theo hiện tượng lệch vách ngăn mũi
– Phì đại cuốn mũi gây ra hiện tượng ngưng thở khi ngủ
– Phì đại cuốn mũi gây ứ đọng chất nhầy
– Một số bệnh lý viêm mũi không đáp ứng thuốc điều trị
Để biết chính xác có cần cắt cuốn mũi hay không, người bệnh cần tới chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám trực tiếp. Tại đó, bác sĩ thực hiện sẽ tư vấn, đưa ra chỉ định phù hợp với tình trạng bệnh lý của người bệnh.
3. Quy trình thực hiện phẫu thuật cắt cuốn mũi
Phẫu thuật cắt cuốn mũi gây vô sinh là không đúng, ngược lại thực hiện phẫu thuật còn giúp người bệnh giải quyết triệt để các vấn đề gây ra do các bệnh lý cuốn mũi liên quan, đem đến hiệu quả tuyệt vời. Theo đó, quy trình phẫu thuật cắt cuốn mũi được tiến hành như sau:
3.1 Chuẩn bị trước phẫu thuật
Để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, đảm bảo kết quả tốt nhất cho người bệnh, công tác chuẩn bị đóng vai trò quan trọng.
– Các điều kiện phẫu thuật tốt nhất cần đảm bảo: hệ thống phòng mổ vô khuẩn 1 chiều giúp, đáp ứng đầy đủ các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và yếu tố vô khuẩn.
– Về vật tư y tế: Chuẩn bị đầy đủ thuốc gây tê, cồn, băng gạc, các thiết bị khoan tay, cáp nối, thiết bị điện cực,…
– Về người bệnh: Người bệnh phải trải qua đầy đủ các bước thăm khám cần thiết, thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, thăm khám tác dụng của thuốc gây tê và được bác sĩ chẩn đoán đủ điều kiện phẫu thuật. Lưu ý, phẫu thuật cắt cuốn mũi sẽ không được chỉ định với người bệnh đang mắc bệnh tiểu đường hay gặp vấn đề rối loạn đông máu,…
3.2. Gây tê và giảm đau tại chỗ
Các bác sĩ chuyên khoa gây tê, giảm đau tiến hành gây tê tại chỗ cho bệnh nhân. Thuốc gây tê và gây co mạch giúp làm giảm tối đa cảm giác đau cho người bệnh trong quá trình thực hiện kỹ thuật cắt cuốn mũi. Đối với những trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể gây mê toàn thân người bệnh.
3.3.Thực hiện cắt cuốn mũi
Quy trình cắt cuốn mũi diễn ra theo các bước cụ thể sau:
– Người bệnh được giữ đầu cố định và nằm thoải mái.
– Bác sĩ đưa mũi khoan có gắn điện cực kim cầm tay vào khu vực cuốn mũi cần loại bỏ. Thiết bị này sẽ được vận hành nhằm mục đích loại bỏ phần những phần tổn thương ở khu vực cuốn mũi.
– Dùng kẹp chuyên dụng lấy phần cuốn mũi vừa được loại bỏ ra ngoài.
– Thực hiện tương tự đến khi phẫu thuật hoàn thành, tiến hành song song giữa sát trùng và đông cầm máu.
3.4. Phục hồi
Sau khi quá trình phẫu thuật hoàn tất, người bệnh sẽ được đưa về phòng hậu phẫu và chăm sóc tích cực để phục hồi. Đồng thời, bác sĩ thực hiện cũng kê thuốc chống viêm, tiêu sưng phù hợp, tư vấn bổ sung dinh dưỡng, nghỉ ngơi để người bệnh nhanh phục hồi nhất.
Phẫu thuật cắt cuốn mũi không phải là kỹ thuật quá phức tạp, tuy nhiên để hạn chế biến chứng và tăng tỷ lệ điều trị thành công, người bệnh cần lựa chọn bệnh viện thực hiện uy tín. Bệnh viện phải có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm, chuyên môn, đảm bảo thăm khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý ngay từ bước đầu cũng như trong suốt quá trình thực hiện phẫu thuật.
Tóm lại, cắt cuốn mũi gây vô sinh là thông tin không chính xác. Việc điều trị các bệnh lý về cuốn mũi thực sự cần thiết giúp người bệnh khai thông đường thở, nâng cao sức khỏe của hệ hô hấp. Vì thế, nếu gặp phải bệnh lý này người bệnh nên đi điều trị ngay trước khi chúng trở nặng nhé!