Bà bầu bị đau mắt đỏ nguy hiểm không? Cách chữa an toàn nhất
Bà bầu bị đau mắt đỏ là tình trạng không hiếm gặp. Tuy đây là bệnh lý không gây ảnh hưởng tới thai nhi nhưng khiến mẹ bầu thấy khó chịu. Việc điều trị sớm giúp giảm đi các tác hại tiêu cực và tránh lây lan cho mọi người xung quanh.
1. Bà bầu bị đau mắt đỏ có gây nguy hiểm không
Theo các chuyên gia, bệnh đau mắt đỏ không gây nguy hiểm tới sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì nếu không điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến các bệnh khác về mắt ở mẹ như: Giảm thị lực, viêm giác mạc, loét giác mạc,…
2. Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở phụ nữ mang thai
Có 3 tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ là do virus, vi khuẩn và dị ứng
2.1 Do virus
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh đau mắt đỏ, đa số trường hợp do virus Adenovirus và herpesvirus gây ra.
Biểu hiện đặc trưng:
– Đau họng, sốt nhẹ, sổ mũi
– Ngứa, đỏ mắt
– Tiết nhiều dịch loãng
– Một số trường hợp bị nổi hạch ở trước tai.
– Cộm rát ở mắt
– Sợ ánh sáng
2.2 Dị ứng
Bệnh đau mắt đỏ có thể khởi phát từ các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, bụi, lông thú, phấn hoa, thời tiết, mỹ phẩm, nước hoa, nước clo ở bể bơi,…Tình trạng bệnh sẽ giảm đi nếu các mẹ bầu ngừng tiếp xúc với các tác nhân này.
Biểu hiện đặc trưng:
– Ngứa mắt dữ dội
– Cả hai mắt đều đỏ
– Chảy nước mắt
– Kèm theo các triệu chứng dị ứng khác: Hắt hơi, ngứa mũi, ngứa họng,…
2.3 Nhiễm khuẩn
Trường hợp thường gặp ở các bà bầu sử dụng kính áp tròng không đúng cách hoặc tay có vi khuẩn sau đó chạm vào mắt. Một số vi khuẩn có thể gây bệnh phổ biến là Haemophilus influenzae, Staphylococcus,…
Biểu hiện đặc trưng:
– Có nhiều gỉ (ghèn) mắt màu vàng hoặc vàng xanh
– Ngứa mắt
– Chảy nhiều nước mắt
3. Biển hiện đau mắt đỏ khi mang thai
Ngoài các biểu hiện đặc trưng theo tác nhân gây bệnh, các mẹ bầu bị đau mắt đỏ có các biểu hiện phổ biến thường thấy như:
– Một mắt hoặc cả 2 mắt xuất hiện các tia đỏ
– Ngứa và cộm mắt
– Mắt bị đau, sưng và kích ứng
– Khó chịu khi có ánh sáng trực tiếp
– Chảy nhiều nước mắt
– Có nhiều gỉ mắt
Các triệu chứng này có thể xuất hiện hoặc không, biểu hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào tác nhân và giai đoạn của bệnh.
4. Cách chữa đau mắt đỏ ở mẹ bầu hiệu quả, an toàn
Mẹ bầu cần thực hiện các phương pháp sau đây để đẩy lùi bệnh đau mắt đỏ nhanh chóng, hạn chế biến chứng nguy hiểm:
– Dùng khăn ấm hoặc mát đắp lên mắt để giảm khó chịu
– Rửa mắt bằng nước mắt nhân tạo hoặc nước nhỏ mắt muối sinh lý (không cần kê toa)
– Dùng bông tẩm nước sạch hoặc thuốc nhỏ muối sinh lý rửa dịch và gỉ mắt
– Nếu bệnh không thuyên giảm, bà bầu cần đến cơ sở y tế, bệnh viện để khám và nhận tư vấn.
+ Đau mắt đỏ do virus: thường tự khỏi sau vài ngày, nếu khó chịu có thể dùng nước mắt nhân tạo tra thường xuyên.
+ Đau mắt đỏ do dị ứng: có thể được bác sĩ kê đơn thuốc dị ứng dành cho bà bầu kết hợp với nhỏ nước mắt nhân tạo.
+ Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Có thể được kê dùng kháng sinh nhỏ mắt hoặc uống để trị bệnh.
5. Lưu ý quan trọng khi bị đau mắt đỏ ở phụ nữ mang thai
Bà bầu bị đau mắt đỏ cần lưu ý những điều sau đây:
– Giữ tâm lý bình tĩnh, không lo lắng, nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
– Không dùng kính áp tròng trong thời gian bị bệnh
– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh
– Không dùng các loại lá tự ý xông hoặc đắp lên mắt
– Kiêng đồ dầu mỡ, cay nóng, rau muống, các chất kích thích và đồ ăn ngọt
– Không được tự ý dùng thuốc nhỏ và uống mà chưa được sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
6. Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm đau mắt đỏ cho mẹ bầu
Mầm bệnh có thể tồn tại ở bất cứ nơi nào kể cả khi những người xung quanh không bị bệnh. Do đó, phụ nữ đang mang thai cần chú ý thực hiện các biện pháp sau đây để phòng bệnh:
– Không dùng chung đồ cá nhân với người khác như: Khăn mặt, gối, cốc uống nước,…
– Tạo thói quen đeo kính râm khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây bệnh bên ngoài.
– Khi phải sử dụng kính áp tròng, nên sử dụng đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường xuyên vệ sinh kính.
– Rửa mắt thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn và mầm bệnh
– Bổ sung các vitamin tốt cho mắt như A,C,E,…
– Sử dụng xà phòng thường xuyên
– Giặt khăn mặt hàng ngày và phơi dưới ánh nắng
– Tránh đến nơi đông người, hạn chế đi bơi
– Không cho tay lên dụi mắt, che miệng khi hắt hơi
Trên đây là những thông tin cần thiết cho các mẹ bầu bị đau mắt đỏ có thể tham khảo. Nếu bạn còn thắc mắc, vui lòng liên hệ với Bệnh viện Hồng Hà để được giải đáp sớm nhất.