7 Nguyên nhân gây đau hạ sườn trái
Đau hạ sườn trái xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Đau thần kinh liên sườn, viêm tụy, viêm dạ dày, sỏi thận, nhiễm trùng thận… Khi gặp cơn đau hạ sườn bên trái người bệnh có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc đến bệnh viện thăm khám và điều trị với phương pháp thích hợp tùy theo mức độ nặng, nhẹ.
1. Tình trạng đau hạ sườn trái là bệnh gì
Vùng bụng được chia thành 9 phần là: Hạ sườn trái, hạ sườn phải, hông trái, hông phải, rống, hố chậu phải, hố chậu trái, thượng vị và hạ vị. Vùng sườn trái có những cơ quan là: Thận trái, tá tràng, niệu quản trái, tuyến thượng thận trái, tụy, lách, đại tràng góc lách, ruột non, đuôi tụy và đáy phổi trái. Khi các cơ quan kể trên gặp bất kỳ vấn đề nào đều có thể gây ra cơn đau ở hạ sườn trái (tên tiếng anh là Left Upper Quadrant Pain).
Trong đời gần như ai cũng đều từng bị đau vùng hạ sườn trái ít nhất một lần. Cơn đau có cường độ thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể diễn tiến liên tục hoặc đến rồi đi. Cơn đau mà bạn gặp có thể là cơn đau cấp hoặc mãn tính, kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc vài năm.
2. Nguyên nhân nào gây đau vùng mạn hạ sườn trái
Đau vùng mạn sườn bên trái có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
2.1 Đau dây thần kinh liên sườn
Đặc điểm của đau dây thần kinh liên sườn là cơn đau xuất phát tại một vị trí nhất định, sau đó cơn đau lan theo hướng của xương sườn. Cơn đau có tính chất gây đau nhói và giật cơ thể. Đây không phải bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nên bệnh nhân cần giữ tâm lý thoải mái, tìm gặp bác sĩ sớm để được tư vấn và chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm phù hợp. Đau dây thần kinh liên sườn thường thoái lui sau khoảng 2 tuần.
2.2 Viêm dạ dày gây đau hạ sườn trái
Cơn đau sườn trái cũng lan sang các khu vực khác trong bệnh cảnh này. Kèm với đó là các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, sụt cân… Người bệnh cũng gặp khó về vấn đề đại tiện, phân thải ra có tính chất vừa rắn, vừa nát, có khi phân nhầy máu. Một số trường hợp viêm dạ dày có thể dẫn đến thủng hay ung thư dạ dày. Vì vậy ngay khi phát hiện những triệu chứng trên người bệnh cần đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp.
2.3 Đau hạ sườn trái do hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có các triệu chứng tương tự viêm dạ dày, đại tràng. Tuy nhiên, cơn đau khi mắc hội chứng ruột kích thích thường sẽ nhói trong một khoảng thời gian rất ngắn, người bệnh có thể cảm thấy tức bụng, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón nhưng khi đi đại tiện xong các triệu chứng đó sẽ đỡ hơn.
2.4 Viêm tụy khiến hạ sườn trái bị đau
Bị viêm tụy cấp hay mãn tính đều gây đau hạ sườn bên trái. Người bệnh sẽ có các biểu hiện sưng bụng trái, buồn nôn, sốt. Nhịp tim của người bệnh có thể tăng nhanh cần phải đưa đến bệnh viện ngay.
2.5 Sỏi thận gây đau đớn vùng hạ sườn cánh trái
Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng đau vùng hạ sườn trái. Ngoài ra, đau vùng hạ sườn bên trái, sỏi thận còn gây đau vùng bụng, lưng, đau khi đi tiểu, nước tiểu có thể lẫn máu. Nếu để tình trạng sỏi thận kéo dài, không điều trị kịp thời có thể dẫn tới hư thận, suy thận, viêm đường tiết niệu gây thận ứ nước, mất chức năng thận và phải cắt bỏ thận nếu không được điều trị kịp thời.
2.6 Đau đớn hạ sườn trái do nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận có thể gây ra những cơn đau ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường tiết niệu như từ thắt lưng, vòng sang hai bên và xuống đến hạ sườn bên trái. Kèm theo đó là các triệu chứng khác như đi tiểu thường xuyên, đau khi đi tiểu và bị sốt.
2.7 Xương sườn bị tổn thương gây đau ở hạ sườn trái
Khi gặp chấn thương dẫn đến một hoặc nhiều xương sườn bị bầm tím hoặc gãy, người bệnh có thể bị đau xung quanh xương sườn bên trái hoặc phải cũng như đau ngực khi hít vào.
Xương sườn có thể liền lại trong vòng 3 – 6 tuần. Người bệnh có thể giảm đau bằng cách:
– Sử dụng thuốc giảm đau
– Chườm lạnh vào xương sườn nhằm giảm sưng nề
– Ốm gối vào ngực khi bị ho
– Hít thở sâu, chậm để loại bỏ dịch tiết ra khỏi phổi.
3. Cách chữa đau sườn trái hiệu quả
Có nhiều phương pháp điều trị đau hạ sườn bên trái. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất cần phải áp dụng đúng phương pháp dựa trên mức độ nghiêm trọng
3.1 Chăm sóc tại nhà
Nếu cơn đau nhẹ hoặc không thể đến bệnh viện ngay, người bệnh có thể áp dụng một số cách giảm đau hạ sườn bên trái như sau:
– Nghỉ ngơi
Việc vận động hay thực hiện những hoạt động ảnh hưởng đến vùng tổn thương có thể khiến mức độ đau thêm nghiêm trọng hơn. Vì thế, tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi, hít thở chậm, đều, tránh thực hiện các động tác ảnh hưởng đến khung xương sườn. Việc làm này có thể điều chỉnh tâm trạng và xoa dịu cơn đau của bạn.
– Chườm đá
Khi bị đau hạ sườn bên trái, kèm theo tình trạng sưng nề, bầm tím do chấn thương, bạn hãy chườm túi hoặc khăn vải sạch bọc vài viên đá lạnh, đặt lên vùng đau khoảng 20 phút. Lưu ý, cần chườm đá 3 lần/ngày, trong 3 ngày sau chấn thương.
– Tắm với nước ấm
Khi tắm bằng nước ấm, cơn đau của bạn được xoa dịu, cơ và xương khớp thư giãn. Đồng thời máu được lưu thông tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng co thắt khiến bạn khó vận động.
– Chườm ấm
Tương tự như tắm nước ấm, việc chườm ấm cũng giúp xoa dịu cơn đau. Khi tác động nhiệt độ cao, vùng tổn thương có thể giảm đau, đồng thời thư giãn cơ xương khớp, cải thiện tâm trạng. Bạn nên áp dụng biện pháp chườm ấm 3 lần/ngày, mỗi lần 20 phút. Kết hợp nghỉ ngơi và tắm nước ấm để tăng hiệu quả giảm dau.
3.2 Điều trị y tế
Bạn nên thăm khám bác sĩ trong vòng 48 – 72 giờ để tìm kiếm nguyên nhân gây đau hạ sườn trái. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh để chỉ định dùng thuốc, phẫu thuật hoặc áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
– Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn trong điều trị đau hạ sườn bên trái như: Thuốc kháng sinh, chống co giật, nhóm thuốc giảm đau.
– Tập thở sâu
Nếu đau vùng hạ sườn trái kèm theo khó thở do chấn thương vùng xương sườn, viêm màng ngoài phổi… người bệnh được bác sĩ hướng dẫn bài tập thở sâu để cải thiện tình trạng. Bài tập có tác dụng điều chỉnh nhịp thở, giảm đau và hạn chế tình trạng khó thở.
– Phẫu thuật
Với những trường hợp nặng, phẫu thuật là chỉ định bắt buộc vì không thể điều trị bảo tồn. Điển hình như sỏi thận với kích thước lớn, gãy xương sườn có đầu xương gây tổn thương các cơ quan lân cận. Dựa vào nguyên nhân người bệnh có thể được bác sĩ thực hiện phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi.
Đau hạ sườn trái ở mức độ nặng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị đúng cách. Vì thế khi gặp cơn đau hạ sườn bên trái, người bệnh không nên chủ quan, hãy thăm khám bác sĩ kịp thời để xác định nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.