Menu
Từ T2 - CN Mở cửa từ 7h - 18h
call
Tư vấn miễn phí 1900633988
logo

13 dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần biết

Chào đón thiên thần bé nhỏ ra đời là điều hạnh phúc nhất của người mẹ. Vào những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu thường lo lắng bởi vì họ không biết được chính xác thời điểm sắp sinh. Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo lắng, hãy chuẩn bị tâm lý thoải mái và lưu ý 13 dấu hiệu chuyển dạ trong bài viết dưới đây để có hành trình vượt cạn thuận lợi, mẹ tròn con vuông.

1. Chuyển dạ là như thế nào

Chuyển dạ là quá trình diễn ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ giúp đưa thai nhi và bánh nhau ra khỏi buồng tử cung qua đường âm đạo của người mẹ.

Ở cuối thai kỳ, các dấu hiệu cho thấy thời điểm sắp sinh cận kề bao gồm: Bắt đầu co thắt các cơ ở tử cung (xuất hiện các cơn gò tử cung) khiến phần bụng trở nên cứng và cổ tử cung bắt đầu mở rộng dần ra. Sau đó, mức độ đau ngày càng tăng dần và đều đặn, thời điểm diễn ra các cơn co thắt cũng là lúc tử cung thư giãn và trở nên mềm mại hơn.

Lúc này, thai nhi trong tử cung vừa xoay vừa di chuyển xuống dưới vào khung chậu của người mẹ từ lúc bắt đầu có cơn đau đầu tiên và kéo dài suốt khoảng thời gian mẹ bầu chuyển dạ. Khi cổ tử cung mở trọn 10cm cùng với sức rặn của người mẹ, thai nhi sẽ dần lọt qua khung chậu.

Quá trình chuyển dạ sắp sinh được phân chia như sau:

– Chuyển dạ đủ tháng khi tuổi thai từ đầu tuần 38 – 42 (thời gian sinh dự kiến trung bình 40 tuần). Lúc này, thai nhi đã trưởng thành và có thể sống độc lập, khỏe mạnh ở môi trường bên ngoài.

– Chuyển dạ sinh non khi tuổi thai mới đạt từ 22 – 37 tuần.

– Trẻ sinh già tháng khi tuổi thai >42 tuần.

Dấu hiệu chuyển dạ dự báo thai phụ sắp sinh

Dấu hiệu chuyển dạ dự báo thai phụ sắp sinh

2. Tổng hợp những dấu hiệu chuyển dạ thường gặp

Trên thực tế, không có thời gian sinh nở cố định cho tất cả các mẹ bầu. Vì thế để chủ động chuẩn bị tư trang, tâm lý đón bé yêu chào đời, mẹ bầu có thể tham khảo những dấu hiệu sắp sinh dưới đây.

2.1 Dấu hiệu chuyển dạ sa vùng bụng dưới

Vào giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi sẽ di chuyển dần xuống khu vực xương chậu của mẹ để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Hiện tượng sa bụng dưới có thể xảy ra trước vài tuần hoặc thậm chí vài tháng trước thời gian sinh thật, đặc biệt trường hợp sinh con đầu lòng rất dễ nhận biết thông qua dấu hiệu này.

Tuy nhiên với những mẹ sinh con lần thứ 2 trở đi thì dấu hiệu đó khá mơ hồ và gần như chỉ cảm nhận được khi bắt đầu bước vào cuộc vượt cạn. Đó là thời điểm thai nhi đã ở tư thế sẵn sàng chào đời, em bé quay đầu xuống dưới và ở vị trí thấp.

Cũng trong thời điểm này, đầu của trẻ sẽ chèn ép lên bàng quang, khiến mẹ bầu đi tiểu nhiều giống 3 tháng đầu thai kỳ. Đồng thời, mẹ bầu di chuyển khó khăn và nặng nề hơn.

2.2 Dấu hiệu chuyển dạ xuất hiện cơn gò tử cung

Đây là một trong những dấu hiệu sắp sinh thường gặp nhất ở thai phụ. Mặc dù trong suốt thai kỳ các cơn co thắt đôi khi vẫn xuất hiện nhưng tần suất thưa thớt, không đều, không gây đau và không gây xóa mở cổ tử cung (được gọi là cơn gò chuyển dạ giả Braxton Hicks). Điều quan trọng là mẹ bầu cần hiểu đúng và nhận biết biểu hiện, đặc điểm của cơn gò chuyển dạ thật.

2.3 Vỡ ối

Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất, cho thấy mẹ bầu bắt đầu chuyển dạ và sắp sinh. Thai nhi phát triển trong 1 túi chất lỏng bảo vệ gọi là túi ối, khi túi ối vỡ nghĩa là em bé đã sẵn sàng chuẩn bị chào đời.

Thực tế, cảm giác vỡ ối ở mỗi thai phụ là khác nhau. Một số mẹ bầu sẽ có cảm giác một dòng nước chảy ra mạnh, nhanh, đột ngột từ đường âm đạo nhưng không thấy đau đớn.

Ở những trường hợp khác, mẹ bầu chỉ thấy nước chảy ra thành dòng nhỏ, chậm xuống dưới chân. Điều quan trọng là mẹ bầu cần phân biệt đúng đó là nước tiểu hay nước ối. Nếu mẹ nghi ngờ bị vỡ ối nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám.

2.4 Cổ tử cung giãn nở

Trong những tuần cuối của thai kỳ, để bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sinh con, đoạn dưới của tử cung sẽ giãn ra và mỏng dần đi trước khi mẹ chuyển dạ nhằm “dọn đường” cho trẻ chào đời. Khi khám thai định kỳ, các bác sĩ có thể đánh giá và theo dõi độ mở của cổ tử cung thông qua thăm khám âm đạo.

Tuy nhiên, ở mỗi thai phụ tốc độ xóa mở cổ tử cung nhanh chậm khác nhau. Trung bình cổ tử cung phải mở trọn đến 10cm mới được xem là thuận lợi cho cuộc sinh. Quá trình mở cổ tử cung được chia thành 2 giai đoạn:

– Giai đoạn 1: Cổ tử cung bắt đầu mở đến 3cm, tiến triển chậm khoảng 6 – 8 giờ, trung bình mỗi giờ mở 1cm.

– Giai đoạn 2: Cổ tử cung mở từ 3 – 10cm, tiến triển nhanh, cần khoảng 7 giờ, trung bình mở thêm 1cm hoặc nhiều hơn mỗi giờ.

2.5 Mất nút nhầy

Nút nhầy là khối chất nhầy dày nằm tại lỗ cổ tử cung, có hoạt động như một hàng rào ngăn chặn virus, vi khuẩn và các nguồn lây nhiễm khác xâm nhập vào tử cung. Vào khoảng tuần 37 – 40 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy âm đạo tiết ra chất nhầy màu hồng hoặc hơi đỏ. Đây chính là hiện tượng mất nút nhầy cổ tử cung nhằm dọn đường cho thai nhi chào đời.

Dịch nhầy thường có màu hồng, sẫm màu hoặc kèm theo một ít máu. Đây là dấu hiệu cho thấy em bé sẽ chào đời trong một vài ngày tới. Tuy nhiên, thời gian giữa việc mất nút nhầy và thời gian chuyển dạ thực sự là không cố định. Ở một số mẹ thời gian từ khi mất nút nhầy đến khi chuyển dạ chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, một số khác việc sắp sinh thật sự có thể xuất hiện sau 1 – 2 tuần.

2.6 Cảm thấy dễ thở hơn

Vào giai đoạn sắp sinh, em bé trong bụng cũng bắt đầu tụt xuống thấp nên áp lực của thai nhi lên cơ hoành và dạ dày của mẹ bầu được giảm thiểu. Do đó, mẹ cảm thấy thở dễ dàng hơn và chứng ợ nóng khi mang thai theo đó cũng biến mất.

2.7 Mẹ bầu đi tiểu thường xuyên với tần suất nhiều

Trong tháng cuối, đầu của bé bắt đầu di chuyển xuống tiểu khung, chèn ép và các tạng xung quanh đặc biệt là bàng quang. Do đó, mẹ bầu sẽ thấy phần bụng dưới của mình trở nên nặng nề hơn trong khi phần bụng lại có cảm giác trống rỗng. Kèm theo đó là tình trạng đi tiểu rất nhiều lần hay có thể là són tiểu, són phân. Điều này đôi khi khiến cho sản phụ khó chịu và không có được giấc ngủ ngon.

Tuy nhiên, tần suất đi tiểu nhiều chỉ xảy ra với các bé có hiện tượng xoay đầu để chuẩn bị sinh thuận theo ngả âm đạo. Với những thai nhi ở ngôi ngược thì sẽ không có hiện tượng này.

Khi có dấu hiệu sắp chuyển dạ sinh con mẹ bầu thường đi tiểu nhiều hơn

Khi có dấu hiệu sắp chuyển dạ sinh con mẹ bầu thường đi tiểu nhiều hơn

2.8 Mẹ bầu có dấu hiệu chậm hoặc ngừng tăng cân

Trái với giai đoạn mang thai 3 tháng đầu, thời gian chuẩn bị chuyển dạ sinh con cân nặng của mẹ có thể giảm đi 1 – 2kg hoặc ngừng tăng cân. Lý do của việc này là lượng nước ối của mẹ đang giảm xuống để chuẩn bị cho việc chào đón bé yêu. Điều này là hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi nên mẹ cứ yên tâm.

2.9 Chuột rút và đau thắt lưng

Khi sắp sinh, mẹ bầu sẽ cảm thấy thường xuyên xuất hiện những cơn chuột rút. Đồng thời, tình trạng đau mỏi vùng lưng và hai bên háng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu đây là lần đầu mang thai, dễ dàng nhận biết dấu hiệu này hơn. Nguyên nhân là các khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị giãn, kéo căng ra để chuẩn bị cho thai nhi chào đời.

2.10 Giãn khớp

Trong suốt thai kỳ, hormone relaxin đã giúp cho các dây chằng của mẹ bầu trở nên mềm mại và giãn hơn. Khi chuyển dạ, các khớp xương trở nên linh hoạt hơn để giúp khung xương chậu mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vượt cạn. Đây là phản ứng tự nhiên nên mẹ không cần hoảng hốt.

2.11 Tiêu chảy, uể oải

Do các cơ trong tử cung của thai phụ đang giãn ra, chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ nên khiến cho toàn bộ cơ quan trong cơ thể cũng được nghỉ ngơi, trong đó có cả trực tràng. Bên cạnh đó, khi cận kề ngày sinh, đường ruột của mẹ bầu sẽ nhận các tín hiệu từ cơ thể và thực hiện cơ chế “tự vệ sinh” để sẵn sàng cho cuộc vượt cạn. Sản phụ sẽ gặp tình trạng đi tiêu lỏng hơn, đây là dấu hiệu hoàn toàn bình thường, báo hiệu sắp sinh.

2.12 Xuất hiện sữa non

Thông thường các mẹ sẽ có sữa non trước khi sinh khoảng 2 – 3 tuần và sữa ở thai con rạ ra nhiều hơn co so. Sữa non chứa lượng kháng thể lớn cung cấp cho bé. Đây được coi là một loại vacxin tự nhiên an toàn tuyệt đối với trẻ sơ sinh.

2.13 Cổ tử cung bắt đầu mở

Ngay từ khi bắt đầu chuyển dạ cổ tử cung đã mở do chịu áp lực từ các cơn co bóp. Tử cung mỏng dần để em bé có thể thuận lợi chui qua đường âm đạo ra ngoài. Cổ tử cung từ đóng kín đến mở hoàn toàn diễn ra theo 4 giai đoạn:

– Giai đoạn chuyển dạ sớm: Mở từ 0 – 3cm.

– Giai đoạn chuyển dạ tích cực: Mở từ 4 – 7cm.

– Giai đoạn chuyển dạ chuyển tiếp: Mở từ 7 – 9cm.

– Giai đoạn mở hoàn toàn: 10cm, em bé sẵn sàng chào đời.

Cổ tử cung bắt đầu mở chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ

Cổ tử cung bắt đầu mở chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ

3. Làm thế nào để phân biệt dấu hiệu chuyển dạ giả và thật

Để phân biệt chuyển dạ giả và thật, mẹ bầu có thể dựa vào những dấu hiệu sau:

3.1 Tần suất những cơn co thắt

Chuyển dạ giả là những cơn đau co thắt, khoảng cách về thời gian giữa mỗi cơn đau thường khác nhau.

Các cơn co thắt thật sự thường xuất hiện vào những tháng cuối của thai kỳ, có cường độ và tần suất tăng dần. Lúc này, thai phụ sẽ thấy bụng gò cứng lên, đau nhiều hơn và không có dấu hiệu giảm dù đã thay đổi tư thế.

Tần suất các cơn gò thật diễn ra liên tục và đều đặn, khoảng 5 – 10 phút sẽ xuất hiện một cơn gò, kéo dài từ 30 – 60 giây. Sau đó tăng dần 2 – 3 phút/cơn gò. Vì thế, không khó để thai phụ có thể phân biệt giữa cơn cơ thắt sinh lý hay cơn gò chuyển dạ.

3.2 Vị trí của cơn đau

Đối với trường hợp đau do chuyển dạ giả: Vị trí của những cơn đau thường ở vùng bụng trước hoặc đau ở xương chậu. Ngoài ra, bệnh nhân không có bất thường về nước ối hay ra dịch hồng.

Ngược lại trường hợp chuyển dạ thật, vị trí cơn đau có thể xuất hiện ở phần lưng dưới, lan sang phía trước bụng, đau trong bụng và đau sau lưng. Bên cạnh đó, mẹ bầu sẽ thấy xuất hiện tình trạng ra dịch âm đạo màu hồng hoặc ra nước ối, vỡ ối…

3.3 Cơn đau diễn ra khi di chuyển

Chuyển dạ giả: Cơn đau sẽ thuyên giảm nếu bạn thay đổi về tư thế nghỉ ngơi hoặc vận động nhẹ nhàng.

Chuyển dạ thật: Những cơn đau thường không thuyên giảm ngay cả khi mẹ bầu đang nghỉ ngơi hoặc chuyển động chậm thì vẫn cảm thấy đau, thậm chí cường độ ngày càng tăng dần.

4. Những thay đổi của mẹ bầu và thai nhi trong quá trình chuyển dạ

Trong quá trình chuyển dạ, mẹ bầu và thai nhi phải đối diện với những thay đổi lớn. Cụ thể là:

4.1 Thay đổi người mẹ

Song song với việc chịu đựng những cơn đau bụng chuyển dạ, cơ thể của người mẹ còn có những thay đổi khác để giúp em bé có thể chui ra ngoài một cách thuận lợi:

– Sự xóa mở cổ tử cung: Quá trình kéo dài từ khi mẹ bầu có dấu hiệu của chuyển dạ đến khi em bé chào đời. Đây là thời điểm tử cung được xóa mở hoàn toàn để sẵn sàng chào đón bé yêu.

– Đáy chậu thay đổi: Khi thai nhi đi xuống dần tiểu khung các cơn gò tử cung sẽ gây áp lực khiến mẹ bầu bị đau mỏm xương cụt ra phía sau, đường mỏm hạ vệ từ 9,5cm thành 11cm, bằng với đường kính mỏm cùng- hạ vệ. Cùng sức cản của các cơ ở tầng sinh môn, thai nhi sẽ được đẩy hướng ra phía trước.

– Tầng sinh môn thay đổi: Tầng sinh môn phồng lên, vùng hậu môn- âm hộ dài ra (từ 3 – 4cm kéo giãn thành 12 – 15cm). Cùng với đó lỗ hậu môn mở rộng, âm hộ cũng mở rộng và thay đổi hướng dần sang ngang do tác động của cơn gò tử cung và cơn co thành bụng để tạo đường di chuyển thuận lợi cho thai nhi.

4.2 Thay đổi thai nhi

Khi quá trình chuyển dạ diễn ra thai nhi cũng có sự thay đổi như sau:

– Có hiện tượng chồng xương sọ: Các xương sọ sẽ chồng lên nhau để giảm bớt kích thước của hộp sọ thai nhi. Hai xương đỉnh sẽ nằm chồng lên nhau, xương trán và xương chẩm sẽ chui xuống xương đỉnh. Hai xương trán cũng có khả năng xếp chồng lên nhau.

– Bướu thanh huyết: Đây là hiện tượng phù thấm thanh huyết dưới da. Bướu huyết thanh sẽ có vị trí xuất hiện nằm ở phần ngôi thai thấp nhất, tức là ở giữa lối mở của cổ tử cung. Bướu huyết thanh thường chỉ xuất hiện sau khi vỡ ối và vị trí của bướu huyết thanh ở mỗi ngôi thai sẽ khác nhau.

5. Mẹ cần làm gì khi những dấu hiệu sắp sinh gây khó chịu

Khi xuất hiện những dấu hiệu sắp sinh em bé, thai phụ cần bình tĩnh, không lo lắng và thực hiện những hướng dẫn sau:

– Đầu tiên, chị em cần đi khám thai đúng lịch để bác sĩ theo dõi và xác định được chính xác đã đến thời điểm cần nhập viện hay chưa. Khi đó, bạn sẽ được các bác sĩ và nữ hộ sinh hướng dẫn chuẩn bị những vật dụng và giấy tờ cần mang theo, dặn dò các biểu hiện sắp chuyển dạ cần nhập viện.

– Làm quen với cơn đau: Mọi cơn gò chuyển dạ đều khiến thai phụ đau đớn. Tuy nhiên, cơn gò chuyển dạ chính là phần tích cực cần phải có vì cứ sau mỗi lần co thắt thì thời điểm con yêu chào đời càng đến gần.

– Kiểm soát hơi thở, thả lỏng cơ thể bằng cách thở nhẹ nhàng và chậm rãi, điều đó giúp mẹ giảm bớt lo âu và đau đớn.

Khi có dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần kiểm soát hơi thở

Khi có dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần kiểm soát hơi thở

6. Khi nào mẹ bầu cần phải gọi cho bác sĩ

Khi có các dấu hiệu sắp sinh sau đây, mẹ bầu nên đến viện càng sớm, càng tốt.

– Gặp các dấu hiệu sinh non như: Các cơn gò xuất hiện trước tuần 37, đau bụng, dịch âm đạo bất thường, âm đạo chảy máu, đau vùng xương chậu hoặc đau lưng.

– Vỡ ối hoặc rò rỉ nước ối, mẹ bầu cần gọi ngay cho bác sĩ nếu nước ối có màu xanh lục hoặc vàng nâu vì đây là dấu hiệu phân su – phân thải đầu tiên trong đời của em bé và sẽ gây nguy hiểm khi trẻ hít hay nuốt phải trong khi sinh.

– Chảy dịch hay máu âm đạo có lẫn máu tưới, không phải màu hồng nhạt hay màu nâu, bụng rất đau và thời gian đau liên tục hoặc bị sốt.

– Cảm nhận em bé trong bụng ít hoạt động hơn thường ngày.

– Cảm thấy đau đầu, hoa mắt, cơ thể bị sưng phù hay chứng sưng phù trở nên nghiêm trọng hơn vì đây là triệu chứng tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ.

7. Giải đáp những thắc mắc về chuyển dạ

Dưới đây là những giải đáp thắc mắc về chuyển dạ đến từ bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa:

7.1 Thai ở tuần 41 chưa có dấu hiệu chuyển dạ mẹ có nên lo lắng

Thai 41 tuần tuổi chưa có dấu hiệu của chuyển dạ là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu lo lắng mẹ bầu có thể đi khám bác sĩ. Thông qua siêu âm bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bánh nhau, dây rốn và vị trí thai nhi. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có nên tiến hành giục sinh hay không.

7.2 Buồn nôn có phải là dấu hiệu của chuyển dạ

Trong thực tế, buồn nôn chính là dấu hiệu của chuyển dạ ở giai đoạn sớm (tức là sản phụ đã vào chuyển dạ và có thể xuất hiện triệu chứng buồn nôn). Không chỉ hiện tượng buồn nôn ở những tháng cuối là dấu hiệu gợi ý để mẹ bầu biết được sắp chuyển dạ mà thậm chí chúng còn có thể xảy ra trong suốt quá trình sinh nở.

7.3 Em bé đạp nhiều có phải dấu hiệu sắp sinh

Nếu em bé đạp nhiều kèm theo các dấu hiệu như sa bụng bầu, cổ tử cung bắt đầu mở rộng, tần suất chuột rút và đau lưng nhiều hơn, dịch âm đạo biến đổi màu sắc, bị tiêu chảy, cơn co thắt tử cung ngày càng nhiều và rõ rệt kèm theo hiện tượng rỉ ối thì có nghĩa là mẹ bầu sắp đến thời gian chuyển dạ sinh con.

7.4 Nước ối sắp sinh thường có màu gì

Nước ối là chất dịch lỏng rất giàu dinh dưỡng, bao bọc xung quanh thai nhi khi em bé nằm trong tử cung của người mẹ và đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của thai nhi.

Ở giai đoạn đầu của thai kỳ nước ối có màu trắng trong. Khi thai nhi càng lớn lên nước ối sẽ có màu sắc trắng đục dần do chứa nhiều chất gây (chất bám và da bé giúp bảo vệ bé, một dạng như chất béo). Bình thường thai đủ trưởng thành (từ tuần thứ 38 và sắp sinh) nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống với nước vo gạo.

7.5 Cần làm gì khi tới ngày lâm bồn mà không có dấu hiệu chuyển dạ

Khi đến ngày lâm bồn nhưng vẫn chưa có dấu hiệu của chuyển dạ mẹ bầu cần đến khám bác sĩ sản phụ khoa theo lịch hẹn để kiểm tra tim thai, nhau thai, nước ối… nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường để có can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

Ngoài những lần siêu âm thai định kỳ, bắt đầu từ tuần thứ 40, nếu đến ngày dự sinh mà chưa có dấu hiệu rõ ràng thì mẹ nên khám thai 2 – 3 ngày/lần.

Nên đi khám bác sĩ khi tới ngày lâm bồn mà không có dấu hiệu chuyển dạ

Nên đi khám bác sĩ khi tới ngày lâm bồn mà không có dấu hiệu chuyển dạ

Trên đây là những thông tin giúp chị em nhận biết được dấu hiệu của chuyển dạ sắp sinh con cũng như cách phân biệt dấu hiệu của chuyển dạ giả và thật. Mẹ bầu cần lưu ý nhận biết chính xác để quá trình sinh đẻ diễn ra an toàn, em bé chào đời khỏe mạnh.

ĐĂNG KÝ MESSENGER
<< Địa chỉ

1900.633.988

FB chat

Chat zalo

Vị trí