Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần chú ý
Để đảm bảo thai nhi khỏe mạnh, sinh con thuận lợi, các mẹ cần nắm được các mốc khám thai quan trọng để chuẩn bị tinh thần và đảm bảo thực hiện đúng theo lịch khám thai của bác sĩ. Khi khám thai đúng lịch, mẹ bầu sẽ nắm bắt được tình trạng phát triển của thai nhi và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp để thai nhi khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
1. Khám thai định kỳ là làm gì
Khám thai định kỳ là công tác kiểm tra và theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ.
Có thể thấy, khám thai định kỳ giúp người mẹ có thêm nhiều kiến thức cần thiết để có thể tự chăm sóc thai nhi và phòng tránh những căn bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong những lần khám thai định kỳ, mẹ bầu sẽ được khám sức khỏe tổng quát, đo chỉ số huyết áp, siêu âm thai, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết…
2. Việc khám thai định kỳ có quan trọng không
Khám thai định kỳ là việc rất quan trọng để người mẹ cũng như bác sĩ biết được thai nhi trong giai đoạn thai nghén có phát triển bình thường hay dị tật hay không, có nguy cơ mắc bệnh gì trong thời kỳ mang thai hay không (cao huyết áp, tiểu đường…), chế độ dinh dưỡng đã hợp lý chưa, cần bổ sung những thực phẩm gì để thai nhi khỏe mạnh hơn…
3. Khi đi khám thai mẹ bầu cần lưu ý những điều gì
Khi đi khám thai, mẹ bầu cần chuẩn bị và lưu ý những vấn đề như sau:
– Mặc trang phục thoải mái, tốt nhất nên mặc váy bầu để thuận tiện cho việc khám thai.
– Không sử dụng chất kích thích và không nhịn đói trước khi khám thai. Trong thời gian chờ đợi, mẹ bầu có thể chuẩn bị một số đồ ăn vặt để tránh mất sức.
– Nên uống nước trước khi siêu âm để hình ảnh siêu âm được rõ nét hơn. Khi kích thước của em bé lớn hơn, mẹ nên đi tiểu trước khi siêu âm để việc quan sát hình ảnh thai nhi dễ dàng hơn.
– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ trong những lần khám thai.
– Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khám thai để tiện cho quá trình theo dõi thai nhi phát triển.
– Trong trường hợp mẹ màu có bảo hiểm xã hội, nên xin giấy xác nhận khám thai để được hưởng quyền lợi theo chế độ.
4. 10 mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không thể bỏ qua
Có 8 mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không thể bỏ qua là: Tuần thứ 5 – 8, tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày, tuần 16 – 22, tuần 22 – 28, từ tuần 28 – 32, tuần 32 – 34, tuần 33 – 36, tuần 36 – 39.
4.1 Các mốc khám thai quan trọng lần đầu tiên: khoảng tuần thứ 5-8
Khám thai lần đầu thường diễn ra khi thai nhi khoảng 5 – 8 tuần. Bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu thực hiện một số xét nghiệm, kiểm tra cần thiết để đưa ra đánh giá chính xác, cụ thể như sau:
– Mẹ bầu kiểm tra cân nặng, chiều cao để đánh giá tình trạng thừa cân, béo phì.
– Thực hiện xét nghiệm máu về hormone Hcg trong trường hợp bào thai có biểu hiện bất thường hoặc siêu âm chưa rõ túi thai.
– Kiểm tra huyết áp để đưa ra biện pháp phòng tránh nguy cơ bị tiền sản giật.
– Tiến hành siêu âm để kiểm tra vị trí phôi thai và xác định tuổi thai, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của thai nhi.
– Thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra một số bệnh như: Bệnh sởi, thủy đậu, viêm gan B, giang mai, HIV/AIDS, nhóm máu…
– Bác sĩ sẽ tư vấn cho các mẹ bầu bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết và dặn dò cách sử dụng các loại thuốc, tư vấn lối sống phù hợp.
4.2 Các mốc khám thai quan trọng thứ 2: khoảng tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày
Trong lần khám thai thứ 2 (khoảng từ tuần tuần thứ 11 – 13 tuần 6 ngày), bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm để đánh giá sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu tiến hành xét nghiệm chuyên sâu để xác định xem thai nhi có mắc bệnh di truyền hay không.
4.3 Khám thai thứ 3: tuần 16-22
Ở tuần thứ 16 – 22, bác sĩ tiếp tục thực hiện các bước kiểm tra như ở lần khám thai đầu và lần khám thai thứ 2, bao gồm: Cân nặng, huyết áp, xét nghiệm liên quan, siêu âm để nắm được sự phát triển của thai nhi. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm chuyên sâu để sàng lọc bệnh cho thai nhi và đưa ra phương hướng giải quyết nếu thi nhi có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh.
4.4 Khám thai thứ 4: khoảng tuần 22-28
Ở lần khám thai từ tuần 22 – 28, bác sĩ sẽ tiến hành bước kiểm tra như: Cân nặng, đo huyết áp, khám thai, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tầm soát dị tật thai nhi, tầm soát đái tháo đường và tiêm vắc xin uốn ván mũi đầu tiên.
4.5 Khám thai thứ 5: từ tuần 28-32
Từ tuần 28 – 32, bác sĩ sẽ siêu âm tầm soát dị tật thai nhi để phát hiện ra các bất thường được phát hiện muộn như: Giãn não thất, tắc ruột, nhiễm trùng bao thai, tim thai… và tiến hành tiêm vắc xin uốn ván mũi 2.
4.6 Khám thai thứ 6: từ tuần 32-34
Từ tuần 32 – 34, bác sĩ sẽ kiểm tra tim thai, ước tính kích thước của thai nhi, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu…
4.7 Khám thai thứ 7: tuần 33-36
Lần khám thứ 7 (từ tuần 33 – 36), bác sĩ tiến hành kiểm tra thai nhi giống như tuần thứ 6, vừa theo dõi sự phát triển của thai nhi vừa kiểm tra sức khỏe của người mẹ.
4.8 Khám thai thứ 8,9,10: tuần 36 – 39
Trong lần khám thứ 8, 9, 10 (từ tuần 36 – 39), người mẹ bước vào quá trình chuyển dạ và người mẹ cần đi khám thai mỗi tuần 1 lần. Bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra sức khỏe, kiểm tra cổ tử cung để theo dõi thai kỳ.
Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm để đánh giá khung xương chậu để xác định thai phụ nên sinh mổ hay sinh thường.
5. Các yếu tố rủi ro cần phải tăng số lần khám trong lịch khám thai
Có 4 yếu tố rủi ro cần phải tăng số lần khám thai gồm: Mẹ bầu từ 35 tuổi trở lên, mẹ bầu có vấn đề sức khỏe từ trước, vấn đề bất thường trong thai nhi, nguy cơ sinh non.
5.1 Mẹ bầu từ 35 tuổi trở lên
Tuy hầu hết phụ nữ ở độ tuổi 30 – 40 đều sinh ra trẻ khỏe mạnh, tuy nhiên, người mẹ vẫn cần phải tăng số lần khám thai để ngăn chặn những biến chứng khi mang thai và xác định dị tật bẩm sinh (nếu có). Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra định hướng, phương pháp hiệu quả và phù hợp cho mẹ bầu.
5.2 Mẹ bầu có vấn đề sức khỏe từ trước
Nếu mẹ bầu có tiền sử bệnh huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, thiếu máu, béo phì… bác sĩ sẽ yêu cầu tăng số lần khám thai trong lịch khám thai và yêu cầu thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
5.3 Vấn đề bất thường trong thai nhi
Một số trường hợp gặp vấn đề bất thường trong thai nhi, mẹ bầu bắt buộc phải đến khám thai thường xuyên hơn và thực hiện kiểm tra đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, đồng thời, mẹ bầu cần có chế độ chăm sóc đặc biệt.
Trong những lần khám thai, bác sĩ sẽ tìm ra những biến chứng xảy ra khi người mẹ mang thai, bao gồm: Huyết áp cao, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ…
5.4 Nguy cơ sinh non
Nếu người mẹ từng có tiền sử sinh non, dọa sảy, cần đi khám thai nhiều lần hơn để được bác sĩ theo dõi sát sao hơn.
Có thể thấy, tuân thủ các mốc khám thai định kỳ trước khi sinh con sẽ giúp mẹ bầu nắm bắt được tình trạng phát triển của thai nhi và sức khỏe của bản thân, từ đó, người mẹ sẽ thoải mái hơn về mặt tâm lý, đồng thời có những giải pháp phù hợp, an toàn để sinh ra một em bé khỏe mạnh.