Menu
date
Từ T2 - CN Mở cửa từ 7h - 18h
phone
Tư vấn miễn phí 1900633988

Bệnh Viện Hồng Hà

Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp, cải thiện ngay để bảo vệ sức khỏe

Hiện nay, tình trạng gia tăng số lượng người mắc bệnh huyết áp ngày càng cao và đáng lo ngại. Có các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp như thừa cân, béo phì, chế độ ăn nhiều muối, lười vận động, tiền sử gia đình có người bị bệnh huyết áp. Do đó, bạn cần chủ động phòng ngừa và cải thiện huyết áp để đảm bảo sức khỏe tốt nhất, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.

1. Tìm hiểu về huyết áp

Huyết áp là chỉ số đo phản ánh lực tác động của máu lên thành động mạch. Khi bác sĩ đo huyết áp của một người, chỉ số huyết áp được thể hiện bằng 2 con số. Trong đó số ở trước là huyết áp tâm thu, số ở sau gọi là huyết áp tâm trương. Ví dụ: 130/80mmHg.

Chỉ số huyết áp tâm trương phản ánh áp lực trong động mạch khi cơ tim co bóp, cụ thể là lúc cơ tim đang ở giữa các nhịp đập. Cả hai số trên đều quan trọng trong việc xác định tình trạng sức khỏe của hệ tim mạch.

Những con số lớn hơn giới hạn bình thường phản ánh tim đang phải làm việc quá sức để bơm máu khắp cơ thể. Nếu con số đó tăng thường xuyên và bền vững thì người đó đang bị huyết áp cao, ngược lại thì được gọi là huyết áp thấp.

1.1 Huyết áp như thế nào là bình thường

Trong trường hợp sinh lý, chỉ số huyết áp tâm thu của một người bình thường sẽ nằm trong khoảng từ 90 – 120mmHg. Và chỉ số huyết áp tâm trương sẽ dao động khoảng 60 – 80mmHg. Theo Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khi các chỉ số tâm thu và tâm trương nằm trong phạm vi nào thì được đánh giá là huyết áp bình thường.

Chỉ số huyết áp được tính bằng đơn vị milimet thủy ngân (viết tắt là mmHg). Đối với người trưởng thành, chỉ số huyết áp sẽ giao động trong khoảng từ 90/60 – 120/80mmHg.

Nếu huyết áp trong giới hạn bình thường thì không cần phải điều trị. Để phòng tránh tình trạng tăng hoặc giảm huyết áp bạn cần duy trì lối sống khoa học và cân nặng phù hợp.

Huyết áp ở người trưởng thành là 90/60 - 120/80mmHg

Huyết áp ở người trưởng thành là 90/60 – 120/80mmHg

1.2 Huyết áp bất thường là như thế nào

Huyết áp bất thường là tình trạng thay đổi huyết áp lên xuống không ổn định ở một người và sự thay đổi này có thể đột ngột hoặc diễn ra liên tục trong một thời gian dài.

– Huyết áp thấp

Huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu <90mmHg hoặc huyết áp tâm trương <60 mmHg.

Khi bị huyết áp thấp lưu lượng máu tới các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là cơ quan ở xa, trên cao như não không được cung cấp đầy đủ máu.

– Huyết áp thấp

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây ra các bệnh lý như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… khiến cho hàng trăm nghìn người bị tê liệt, tàn phế và mất sức lao động. Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta.

Theo Hội tim mạch và huyết áp Châu u (ESC/ESH), phân độ tăng huyết áp cụ thể như sau:

MỨC HUYẾT ÁP

CHỈ SỐ HUYẾT ÁP 

Huyết áp tối ưu

Huyết áp tâm thu < 120 mmHg,  huyết áp tâm trương có chỉ số < 80 mmHg

Huyết áp bình thường

Huyết áp tâm thu 120-129 mmHg, huyết áp tâm trương có chỉ số 80-84 mmHg

Huyết áp bình thường cao

Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg, huyết áp tâm trương có chỉ số 85-89 mmHg

Tăng huyết áp độ 1

Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg, huyết áp tâm trương có chỉ số 90-99 mmHg

Tăng huyết áp độ 2

Huyết áp tâm thu 160-179 mmHg,  huyết áp tâm trương có chỉ số 100-109 mmHg

Tăng huyết áp độ 3

Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg, huyết áp tâm trương có chỉ số ≥ 110 mmHg

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg,  huyết áp tâm trương có chỉ số < 90 mmHg

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số của huyết áp

Trên thực tế huyết áp không phải lúc nào cũng giữ nguyên một chỉ số, chúng có thể giao động lên xuống tùy theo hoạt động và cảm xúc của một người tại thời điểm đo. Ngoài ra, còn có một số yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp đó là:

2.1 Chế độ ăn nhiều muối

Ăn mặn đã được cảnh báo như một nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng tăng huyết áp. Việc tiêu thụ lượng muối quá lớn thường làm tăng huyết áp cho nhiều người.

Để bảo vệ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tăng huyết áp, các chuyên gia khuyến nghị rằng một người bị tăng huyết áp nên hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày không vượt quá 6 gram, tương đương với một thìa cà phê.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy khẩu vị của hầu hết người Việt Nam và dân tộc Á châu nói chung thường tiêu thụ lượng muối nhiều hơn khuyến nghị rất nhiều lần.

Để phòng tránh và điều trị tăng huyết áp, chế độ ăn nhạt là một giải pháp quan trọng mà bạn nên xem xét. Đối với những người đang ở giai đoạn tiền tăng huyết áp, việc thực hiện chế độ ăn nhạt, giảm muối và hạn chế gia vị có thể giữ cho huyết áp ổn định mà không cần phải sử dụng thuốc.

Ngay cả đối với những người đã mắc bệnh, chế độ ăn nhạt cũng có thể giúp giảm huyết áp trung bình từ 4 – 8 mmHg. Điều này đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến tăng huyết áp, và mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe tim mạch.

2.2 Rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là một tình trạng có thể gây ảnh hưởng gián tiếp đến nhiều bệnh lý khác. Khi nồng độ mỡ trong máu tăng cao, hệ thống động mạch chịu sự tác động nặng nề nhất. Do luôn phải đối mặt với áp lực dòng máu lớn, lớp nội mạc bên trong thành động mạch có thể bị tổn thương và xơ cứng, lắng đọng các mảng xơ vữa và đánh mất đi tính đàn hồi, từ đó làm tăng huyết áp.

Vì thế thực hiện lối sống lành mạnh cùng chế độ ăn kiểm soát lipid là rất quan trọng để kiểm soát và duy trì huyết áp ổn định. Một trong những biện pháp cần thực hiện là giảm tiêu thụ các loại chất béo không lành mạnh, ví dụ như chất béo có trong thịt đỏ, các sản phẩm sữa chứa nhiều chất béo, nội tạng động vật, trứng lộn và hải sản.

Thay vào đó, hãy bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày các loại rau xanh, ngũ cốc và trái cây để giúp kiểm soát tình trạng xơ cứng mạch máu và duy trì huyết áp ổn định.

2.3 Tuổi tác

Khi tuổi tác tăng cao, thành mạch máu trong cơ thể cũng trở nên lão hóa và xơ cứng hơn, từ đó giảm đi khả năng đàn hồi dẫn đến áp lực trong lòng mạch tăng theo. Do đó, huyết áp ở người lớn tuổi cũng thường cao hơn so với khi còn trẻ.

Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không thể thay đổi trong việc gây ra tăng huyết áp. Tuy nhiên, việc hạn chế các yếu tố khác có thể làm tăng huyết áp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì huyết áp ổn định và bền vững theo thời gian.

Tuổi tác là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

Tuổi tác là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

2.4 Tiền sử gia đình

Nhiều nghiên cứu quan sát đã chứng minh rằng con cái sinh ra trong gia đình có cha mẹ mắc bệnh cao huyết áp, hay các bệnh lý tim mạch khác nói chung, sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh cao hơn so với người bình thường.

Như vậy, tương tự như tuổi tác, yếu tố tiền sử gia đình cũng không thể bị loại trừ. Đối với những đối tượng này, việc thăm khám và kiểm tra đều đặn là rất cần thiết để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và nguy cơ tim mạch. Điều này giúp ngăn chặn các biến chứng tim mạch trước khi chúng xảy ra một cách đáng tiếc.

2.5 Lười vận động

Việc ít vận động góp phần làm giảm quá trình chuyển hóa cholesterol và làm tăng mức đường trong máu. Điều này có thể tạo ra một tác động tiêu cực đến hệ tuần hoàn và ảnh hưởng đến huyết áp.

Do đó, trong chế độ điều trị tăng huyết áp, bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân tập thể dục thường xuyên. Bạn cần tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút/ ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần, với các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, bơi lội và các hoạt động vận động khác có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát huyết áp. Đồng thời, tránh ngồi lâu trong thời gian dài.

2.6 Thừa cân, béo phì

Cân nặng thường tương quan với chỉ số huyết áp. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người có cân nặng cao thì mức huyết áp cũng sẽ càng tăng. Do đó, khi phát hiện thừa cân, bạn nên tìm cách giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục đều đặn.

Một chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ, ít chất béo và đường, cùng với việc tăng cường hoạt động vận động sẽ giúp giảm cân, cải thiện sức khỏe tim mạch và ổn định huyết áp.

2.7 Hút thuốc lá

Trong khói thuốc lá, có hơn 100 chất hóa học độc hại và chất nicotin là một trong những thành phần chính. Nicotin có tác động kích thích hệ thần kinh, làm tăng nhịp tim và huyết áp, gây co mạch và gây tổn thương cho hệ tim mạch.

Không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà thuốc lá còn gây hại cho những người xung quanh, đặc biệt là người già và trẻ em. Việc hít phải khói thuốc từ người hút thuốc lá có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, bệnh phổi và các vấn đề hô hấp khác. Vì vậy, bạn cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

2.8 Uống nhiều bia rượu

Chất cồn trong bia rượu có khả năng làm tăng lipid máu và gây tổn thương cho mạch máu. Từ đó dẫn đến các vấn đề tim mạch và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó có tăng huyết áp.

Tuy nhiên, không giống như hút thuốc lá, việc tiêu thụ bia rượu không được khuyến cáo là phải hoàn toàn kiêng cữ. Thay vào đó, sử dụng bia rượu nên được kiểm soát và có liều lượng hợp lý. Một người đàn ông được khuyến cáo uống không quá 350ml bia hoặc 150ml rượu vang hoặc 44ml rượu mạnh mỗi ngày, trong khi phụ nữ nên uống chỉ một nửa lượng này.

Uống nhiều bia rượu tác động đến chỉ số huyết áp

Uống nhiều bia rượu tác động đến chỉ số huyết áp

2.9 Căng thẳng lo âu

Cảm xúc như căng thẳng và lo lắng có thể gây tác động nhanh chóng đến huyết áp. Ngay cả những người khỏe mạnh, khi trải qua tình trạng lo lắng, căng thẳng và mất ngủ, huyết áp có thể tăng cao hơn so với mức bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp thực sự.

Vì vậy, với những người đã được chẩn đoán mắc tăng huyết áp, quản lý thời gian một cách hợp lý, làm việc theo cách khoa học và có thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Giấc ngủ đủ và chất lượng cũng có thể giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong. Hơn nữa, biết cách giải tỏa căng thẳng bằng việc học cách thư giãn và nghỉ ngơi, như ngồi thiền hoặc tập yoga

2.10 Bệnh lý đi kèm

Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn) chiếm hơn 90% tỷ lệ của bệnh lý tăng huyết áp trong dân số. Tuy nhiên, gần 10% số lượng bệnh nhân mắc tăng huyết áp có nguyên nhân là do các bệnh lý khác như bệnh thận cấp hoặc mạn tính, hẹp động mạch thận, hoặc các bệnh lý nội tiết khác như hội chứng Cushing, cường Aldosteron tiên phát (hội chứng Conn), bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến yên, và cũng có trường hợp tăng huyết áp ở sản phụ khi có thai.

Đối với những trường hợp này, ngoài việc kiểm soát huyết áp, cần tiến hành tìm kiếm nguyên nhân cụ thể và thực hiện điều trị phù hợp. Khi nguyên nhân được xác định và điều trị đúng cách, huyết áp có thể nhanh chóng ổn định hoặc thậm chí được chữa khỏi.

2.11 Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc điều trị bệnh lý khác cũng có thể có tác dụng phụ gây tăng huyết áp. Ví dụ, việc lạm dụng các loại thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) hoặc sử dụng thuốc tránh thai mà không được theo chỉ định có thể gây tăng huyết áp bất ngờ. Ngoài ra, sự kết hợp của một số loại thuốc cũng có thể tăng nguy cơ tăng huyết áp.

Vì vậy, khi bạn mắc bệnh bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và nhận chỉ định và điều trị phù hợp. Tự ý sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn từ bác sĩ có thể gây ra những hậu quả và tổn hại nguy hiểm khó có thể đoán trước.

2.12 Đo huyết áp không đúng cách

Kỹ thuật đo huyết áp không đúng cách có thể gây ra sự lầm tưởng về việc huyết áp tăng cao. Các yếu tố như dùng băng quấn quá chật, đo huyết áp khi mặc quần áo quá bó, hoặc quấn băng đo khi mặc áo dài tay có thể làm tăng giá trị đo huyết áp.

Ngoài ra, việc đo huyết áp sau khi vận động, chưa ngồi nghỉ ít nhất từ 5 đến 15 phút, sau khi hút thuốc lá, uống cà phê, khi đang nóng giận, hay khi bàng quang căng đầy cũng có thể làm cho số đo huyết áp không chính xác.

Thậm chí, nhiệt độ phòng quá thấp cũng có thể làm tăng huyết áp. “Hội chứng áo choàng trắng” là hiện tượng khi đo huyết áp tại bệnh viện hoặc phòng khám, kết quả thường cao hơn so với khi đo huyết áp tại nhà.

Đo huyết áp không đúng cách cũng khiến cho chỉ số nhận về sai lệch

Đo huyết áp không đúng cách cũng khiến cho chỉ số nhận về sai lệch

3. Cần làm gì để kiểm soát chỉ số huyết áp hiệu quả

Thông qua việc xác định được những yếu tố tác động đến huyết áp, bạn sẽ biết cách để kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Nếu yếu tố đó nằm bên trong cơ thể thì bạn phải các định để giải quyết yếu tố thực thể đó. Còn trường hợp yếu tố đó nằm bên ngoài cơ thể thì bạn cần có biện pháp thích hợp để giữ huyết áp ở mức ổn định.

3.1 Giữ cân nặng ở mức hợp lý

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến huyết áp là cân nặng của chúng ta. Để kiểm soát cân nặng, chúng ta có thể sử dụng chỉ số BMI (Body Mass Index). Theo đó, chỉ số BMI được tính theo công thức sau:

BMI = Cân nặng (Kg)/(Chiều cao (m))²

Chỉ số BMI tối ưu cho người châu Á nằm trong khoảng từ 18,5 đến 23. Nếu chỉ số BMI của bạn vượt ra ngoài khoảng này, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp. Điều này đòi hỏi chúng ta cần điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống sao cho phù hợp.

3.2 Luyện tập thể dục, thể thao

Rèn luyện thể dục và tham gia vào các hoạt động thể thao không chỉ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh mà còn có tác động tích cực đến huyết áp. Việc tập luyện đều đặn và ổn định giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng cường hệ miễn dịch. Đồng thời, tập luyện thể chất cũng giúp kiểm soát và ổn định huyết áp một cách hiệu quả.

3.3 Uống thuốc theo đơn kê toa của bác sĩ

Thuốc được chọn dựa trên tình trạng sức khỏe của chúng ta và mức độ tăng huyết áp. Sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian giúp duy trì huyết áp ở mức ổn định và kiểm soát được các biến động không mong muốn.

3.4 Duy trì lối sống lành mạnh

Dưới đây là những hành vi và thói quen có thể giúp bạn duy trì huyết áp ổn định:

– Từ bỏ việc hút thuốc lá.

– Giảm căng thẳng, stress.

– Hạn chế ngủ muộn.

– Giảm bia rượu và các đồ uống chứa cồn.

3.5 Chế độ ăn uống khoa học

Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các dưỡng chất như đường, đạm, chất xơ, chất béo. Bên cạnh đó bạn cần hạn chế những đồ ăn dưới đây:

– Chất béo bão hòa, đặc biệt từ mỡ động vật.

– Giảm muối từ đồ ăn.

– Không ăn thức ăn nhanh, chứa nhiều tinh bột.

Hạn chế các thức ăn nhanh để kiểm soát huyết áp

Hạn chế các thức ăn nhanh để kiểm soát huyết áp

Với những thông tin trong bài viết bạn đã biết được các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp và cách để duy trì huyết áp khỏe mạnh. Để duy trì huyết áp ổn định bạn cần chú ý giữ cân nặng hợp lý, chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lối sống khỏe mạnh.

ĐĂNG KÝ MESSENGER
<< Địa chỉ

1900.633.988

FB chat

Chat zalo

Vị trí