Thụ tinh trong ống nghiệm: Cơ hội mang thai thành công lên đến 50%
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp tạo phôi bằng cách kết hợp tinh trùng của nam giới và trứng của nữ giới trong một phòng thí nghiệm. Sau đó, phôi được chuyển vào tử cung để bắt đầu quá trình mang thai. IVF là phương pháp hỗ trợ sinh sản rất hiệu quả, đạt tỷ lệ thành công trên 50%. Nó đã giúp nhiều cặp vợ chồng có được niềm vui và hạnh phúc sau nhiều năm khao khát sinh con, khi các quá trình sinh sản tự nhiên không hiệu quả.
1. Thụ tinh ống nghiệm IVF là gì
Thụ tinh ống nghiệm, tên tiếng anh là In vitro fertilization – IVF. Theo định nghĩa y khoa, thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật tạo ra phôi bên ngoài cơ thể người phụ nữ, bằng cách cho trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Phôi thụ tinh được nuôi cấy trong môi trường tiêu chuẩn từ 2 – 5 ngày, sau đó cấy trở lại vào tử cung của người mẹ để phát triển thành thai nhi theo chu trình tự nhiên.
ThS.Bs Vũ Thị Hồng Hạnh, chuyên gia điều trị hiếm muộn hơn 30 năm tại BVĐK Hồng Hà nhận định, thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phổ biến nhất hiện nay, đem lại hiệu quả cao cho các cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn. So với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo IUI, thụ tinh trong ống nghiệm IVF có kỹ thuật thực hiện phức tạp hơn hẳn với nhiều bước điều trị hơn. Các bước bao gồm: kích trứng, chọc hút trứng, thụ tinh trong phòng lab và chuyển phôi vào tử cung người mẹ.
2. Phương pháp IVF chỉ định với trường hợp nào
Cũng theo BS Hạnh, thụ tinh trong ống nghiệm IVF đặc biệt phù hợp với những người bị tắc ống dẫn trứng hoặc các cặp vợ chồng không thể có thai bằng các biện pháp hỗ trợ sinh sản thông thường. Phương pháp còn có tỷ lệ thành công cao với các cặp vợ chồng lớn tuổi, bị các bệnh lý liên quan đến sinh sản như: lạc nội mạc tử cung, bất thường phóng noãn, tinh trùng bất thường, kháng tinh trùng hoặc vô sinh – hiếm muộn chưa tìm ra nguyên nhân…
Tóm lại, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Phụ nữ bị vô sinh – hiếm muộn do rối loạn phóng noãn, vòi trứng bị tắc hoặc tổn thương, đã từng phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
– Vô sinh do tử cung mắc các bệnh lý như: nội mạc tử cung không ở vị trí đúng, bị lạc vào vòi trứng, vùng chậu… tử cung xuất hiện u xơ…
– Nam giới bị vô sinh do liên quan đến chất lượng tinh trùng như tinh trùng yếu, ít hoặc rối loạn xuất tinh (xuất tinh ngược, rối loạn cương dương…), tinh dịch xuất ra không có tinh trùng.
– Các cặp vợ chồng lớn tuổi bị vô sinh hiếm muộn, có dự trữ buồng trứng suy giảm, không đảm bảo đủ số lượng trứng.
– Đã áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác như bơm tinh trùng nhưng không thu được tín hiệu tích cực.
– Vô sinh hiếm muộn không rõ nguyên nhân mặc dù đã làm đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán.
– Đặc biệt, phương pháp rất phù hợp với những cặp vợ chồng mắc các bệnh hiếm gặp như Thalassemia, Hemophilia… giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
3. Ưu điểm và hạn chế của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
3.1. Ưu điểm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
Kỹ thuật IVF có độ an toàn rất cao. Điều này đã được chứng minh bởi sự ra đời của em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên trên thế giới vào năm 1978.
Bên cạnh đó, IVF còn có nhiều ưu điểm vượt trội khác như:
– Dễ dàng lấy được trứng ở những phụ nữ bị tắc ống dẫn trứng giúp hoàn thiện quá trình thụ tinh.
– Ở những người phụ nữ lớn tuổi, IVF có thể chọn lọc được các trứng có chất lượng tốt nhất mà không cần quan tâm quá nhiều về dự trữ trứng.
– Những cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn không rõ nguyên nhân làm IVF cho hiệu quả cao hơn so với việc mang thai theo cách tự nhiên. Kỹ thuật có thể chẩn đoán các vấn đề về thụ tinh – nguyên nhân số 1 khiến các cặp đôi không có con nhưng không rõ nguyên nhân.
– Tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với thụ tinh nhân tạo và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác.
– Giúp thực hiện ước mơ có con cho các bà mẹ đơn thân hoặc các cặp đôi đồng tính nhờ ngân hàng dự trữ tinh trùng
– Các phôi được thụ tinh nếu chưa sử dụng có thể trữ đông để tặng cho các cặp đôi hiếm muộn khác hoặc chờ cho lần cấy ghép tiếp theo.
– IVF còn được sử dụng trong sản khoa nhằm mục đích sàng lọc các bệnh lý di truyền như bệnh xơ nang, down, loạn dưỡng cơ bắp hay huntington… đảm bảo thai kỳ diễn ra thuận lợi và em bé ra đời một cách khỏe mạnh.
3.2. Hạn chế kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, IVF vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như:
– Không phải ai thực hiện IVF lần đầu tiên cũng thành công. Nhiều trường hợp phải thực hiện hơn 1 lần mới có thể mang bầu và sinh con.
– Làm IVF có thể gây nên một số tác dụng phụ, tiêu biểu là hội chứng buồng trứng kích thích.
– Tỷ lệ mang đa thai lớn (20 – 30%). Lý giải cho tình trạng này, bác sĩ Hồng Hạnh cho biết, để tăng tỷ lệ thành công khi làm IVF, bác sĩ thường cấy nhiều phôi vào tử cung người mẹ. Nếu mang đa thai, người mẹ thường đối mặt với những nguy cơ như sinh non, sẩy thai hay em bé gặp một số vấn đề về sức khỏe.
– Người mẹ có thể bị mang thai ngoài tử cung khi làm IVF (1-3%). Trường hợp này thường xuất hiện ở những phụ nữ gặp vấn đề nặng về ống dẫn trứng.
– Trong quá trình làm thụ tinh ống nghiệm, nồng độ estrogen quá cao ảnh hưởng không tốt đến môi trường tử cung. Vì vậy, người mẹ dễ bị sinh non khiến trẻ sinh ra nhẹ cân, ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của trẻ.
– Làm IVF không thành công nhiều lần dễ khiến các cặp đôi gặp vấn đề về tâm lý như căng thẳng, lo lắng…
– Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm rất cao, khá tốn kém nế phải làm lại nhiều lần, làm tăng gánh nặng về tài chính cho các cặp vợ chồng.
4. Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF hiện nay
Bước 1. Khám, đánh giá tình trạng sức khỏe của hai vợ chồng
Thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tương đối phức tạp. Vì vậy, để tăng tỷ lệ điều trị thành công, giúp các cặp đôi chóng có em bé, quy trình thực hiện IVF phải đạt chuẩn, đảm bảo đủ các bước cơ bản sau:
Cặp đôi trong lần thăm khám đầu tiên cần thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát và làm một số xét nghiệm cần thiết để bác sĩ đánh giá được khả năng sinh sản, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vô sinh – hiếm muộn. Trong đó,
Các xét nghiệm cần thực hiện ở người vợ là:
– Xét nghiệm nội tiết tố để định lượng các chỉ số: nội tiết sinh dục và hướng sinh dục bao gồm estrogen, progesterone, LH, FSH… để đánh giá chức năng hoạt động của trụ Hạ đồi – tuyến yên. Đánh giá dự trữ buồng trứng quá các chỉ số AMH, FSH, LH.
– Xét nghiệm máu xác định các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, giang mai, viêm gan B.
– Xét nghiệm Chlamydia qua dịch âm đạo.
– Siêu âm phụ khoa và đếm các nang noãn trong ngày đầu của chu kỳ kinh. Trong đó, siêu âm phụ khoa nhằm phát hiện các bất thường về tử cung, buồng trứng, u xơ tử cung, u xơ buồng trứng…
Xét nghiệm chẩn đoán vô sinh ở người chồng:
– Làm tinh dịch đồ: Xác định chất lượng tinh trùng ít hay nhiều, yếu hay khỏe, hình thái bình thường hay dị dạng, có tinh trùng trong tinh dịch hay không.
– Một số xét nghiệm khác như: Xét nghiệm máu xác định các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như nữ giới, làm định lượng nội tiết sinh dục, siêu âm bìu…
Bước 2. Kích thích buồng trứng
Bác sĩ đếm số nang trứng và cho người vợ sử dụng thuốc kích trứng vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc được sử dụng trong 8 – 12 ngày. Trong quá trình tiêm thuốc kích trứng, bác sĩ sẽ thường xuyên siêu âm và xét nghiệm máu để theo dõi sự phát triển của nang noãn và có những điều chỉnh thuốc hợp lý tùy theo từng người. Khi nang noãn phát triển đạt tiêu chuẩn, người nữ được tiêm mũi cuối cùng để kích trứng trưởng thành (mũi kích rụng trứng). Mũi cuối cùng này cần đảm bảo tiêm đúng giờ.
Bước 3. Chọc hút trứng
– Sau khoảng 36 – 40 giờ tiêm mũi kích rụng trứng, người vợ cần nhịn đói vào buổi sáng và đến viện làm bước chọc hút trứng. Để đảm bảo bệnh nhân không đau đớn và quá trình chọc hút diễn ra thuận lợi, người vợ được gây mê toàn thân. Sau khi hút xong trứng, người bệnh cần ở lại bệnh viện từ 2 – 3 giờ để theo dõi tình tình sức khỏe.
Trứng sau khi được hút kèm dịch nang sẽ được kiểm tra và tách dưới kính hiển vi. Trong quá tình người vợ hút trứng, người chồng được đưa đi thu tinh trùng và lọc rửa tinh trùng.
Bước 4. Thụ thai
Sau khi thu được trứng và tinh trùng, chúng được chuyển đến phòng thí nghiệm và tiến hành giai đoạn tạo phôi. Phôi sau đó được nuôi dưỡng trong điều kiện tiêu chuẩn từ 2 – 5 ngày. Phôi sau khi được tạo có thể được chuyển trực tiếp vào tử cung người phụ nữ, gọi là chuyển phôi tươi. Số phôi chưa được sử dụng sẽ đem đi trữ đông.
Nhiều trường hợp phôi đem đi trữ đông chờ thời điểm thích hợp để chuyển phôi. Trong thời gian này, người vợ cần dùng thuốc đường uống và đặt âm đạo để chuẩn bị cho việc cấy phôi.
Bước 5. Chuyển phôi
Sau khi quá trình thụ tinh hoàn tất, bác sĩ sẽ thông báo cho các cặp đôi số lượng và chất lượng phôi được tạo thành. Bác sĩ và bệnh nhân sẽ thống nhất trước số lượng phôi cấy ghép và số lượng phôi trữ đông.
Thông thường, sau từ 2 – 5 ngày hút trứng, nếu niêm mạc tử cung của người vợ đạt đủ điều kiện về độ dày, chất lượng đảm bảo cho phôi làm tổ sau khi cấy ghép, bác sĩ sẽ thực hiện cấy ghép phôi. Sau khi cấy ghép, người vợ nằm nghỉ ngơi hoàn toàn từ 2 – 4 giờ để theo dõi. Sau khi cấy phôi, bác sĩ sẽ kê cho người vợ một số loại thuốc nội tiết. Người vợ cần uống đầy đủ và thực hiện nghỉ ngơi, sinh hoạt theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bước 6. Thử thai
Sau sau tuần chuyển phôi, người vợ có thể biết bản thân mình có thai hay không bằng cách sử dụng que thử thai hoặc đến cơ sở y tế làm xét nghiệm máu. Nếu que thử thai lên 2 vạch hoặc nồng độ HCG trong máu lớn hơn 25 IU/l chứng tỏ đã mang thai. Nồng độ này có thể cao thấp khác nhau tùy thuộc vào cơ thể và số lượng phôi làm tổ ở mỗi người.
Sau 2 ngày, nồng độ HCG tăng gấp đôi cho thấy thai nhi đang phát triển tốt. Người mẹ lúc này cần tiếp tục uống thuốc dưỡng thai và khám thai định kỳ để nghe tim thai và sự phát triển của túi phôi.
Nếu sau 2 ngày nòng độ HCG không tăng hoặc có xu hướng giảm thì cần thêm thời gian để theo dõi. Nếu nồng độ HCG nhỏ hơn 5 IU/l cho thấy người mẹ đã bị sảy thai. Cặp đôi có thể sử dụng phôi đang trữ đông để cấy ghép lại lần 2 mà không cần làm lại các bước trước đó.
Bước 7. Theo dõi thai
Khi xác định bản thân mang thai và thai nhi phát triển bình thường, người mẹ cần thực hiện khám thai định kỳ kết hợp với thăm khám lâm sàng.
5. Kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm IVF tại BV Hồng Hà có gì khác biệt
Bệnh viện đa khoa Hồng Hà nằm trong TOP những địa chỉ làm IVF và các phương pháp hỗ trợ sinh sản hàng đầu tại Việt Nam. Bệnh viện được xây dựng và áp dụng quy trình điều trị khép kín, bao gồm cả điều trị và thăm khám toàn diện, kết hợp cả sản phụ khoa với nam khoa nhằm tối ưu hóa quy trình.
BVĐK Hồng Hà được nhiều cặp đôi vô sinh – hiếm muộn lựa chọn bởi:
– Sở hữu trang thiết bị tân tiến, hệ thống khí sạch đạt chuẩn quốc tế đảm bảo chất lượng phòng lab. Đặc biệt, bệnh viện còn có tủ cấy đơn giúp chất lượng phôi tối ưu, nâng cao tỷ lệ thành công của các ca điều trị.
– Triển khai được hầu hết các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất trên thế giới như IUI, IVF, ICSI, hỗ trợ phôi thoát màng, trữ đông phôi giúp người bệnh chủ động được thời gian sinh con. Chuyển phôi ngày 5 để nâng cao tỷ lệ thành công…
– Một trong những yếu tố tạo nên sự uy tín của BV Hồng Hà chính là sở hữu đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên hoạt động lâu năm trong lĩnh vực điều trị vô sinh – hiếm muộn, đặc biệt rất mát tay đã giúp hàng ngàn cặp đôi có con nhanh chóng.
Có thể hiểu, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp cho trứng của người vợ thụ tinh với tinh trùng của người chồng trong ống nghiệm mà không phải trong cơ thể người phụ nữ. Kỹ thuật IVF được ứng dụng trong điều trị vô sinh hiếm muộn phổi biến nhất hiện nay, giúp các cặp vợ chồng nhanh chóng có con.